Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần sự chung tay của nhiều phía

Thống Nhất| 17/04/2018 06:54

(HNM) - Ưu tiên quỹ đất xây dựng trường mầm non, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp, nơi đông dân cư; tăng cường khâu


“Mỏi mắt” chờ chủ đầu tư

Tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ mầm non, đặc biệt là tại các địa bàn có khu công nghiệp, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh đã trở thành vấn đề "nóng" những năm gần đây. Qua khảo sát thực tế tại một số địa bàn có khu công nghiệp, khu đô thị, nơi đông dân cư ở Hà Nội vào tháng 1-2018, Tổ công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận thấy, nguyên nhân của tình trạng thiếu trường, lớp mầm non chủ yếu xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội kiểm tra khu đất Dự án xây dựng Trường Mầm non Kim Chung A (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Anh


Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các doanh nghiệp, chủ đầu tư trên địa bàn thành phố chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm đối với lao động nữ có con ở lứa tuổi mầm non. Hiện tại, tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi sinh con chiếm hơn 70% tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng chủ đầu tư gần như không tính đến việc xây trường, lớp mầm non. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các khu chung cư, nhà cao tầng.

Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đi vào hoạt động từ nhiều năm nay với quy mô 16 nghìn công nhân, nhưng nơi đây lại chưa có trường mầm non riêng. Trong khi đó, ngay sát làng công nhân đã được phê duyệt quỹ đất 1.600m2 để xây trường mầm non, song đến nay vẫn là khu đất trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh - nơi có Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với 63 nghìn công nhân. Mặc dù đã được thành phố phê duyệt quỹ đất từ 2 năm nay, song dự án vẫn chưa được khởi công.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do chủ đầu tư của các đơn vị chưa quan tâm hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án theo tiến độ. Thậm chí, dự án Trường Mầm non xã Kim Chung đã được ghi vốn giai đoạn 1 là 16 tỷ đồng, chỉ còn chờ các thủ tục từ phía nhà đầu tư để khởi công dự án. Trong khi đó, con em công nhân vẫn phải gửi ở các nhóm lớp tư thục không bảo đảm điều kiện về chăm sóc, giáo dục; các ông bố, bà mẹ là công nhân lao động thì “mỏi mắt” chờ đợi, mong dự án sớm được khởi công để bớt đi nỗi lo trong công cuộc mưu sinh.

Để giải quyết bài toán thiếu chỗ học cho trẻ mầm non, Kế hoạch số 143/KH-UBND về "Phát triển giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2020" nhấn mạnh việc ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường mầm non, nhất là tại các khu đô thị, khu công nghiệp và khu đông dân cư; điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế một số trường mầm non khu vực nội thành như cho phép nâng tầng, tăng thêm số phòng học, phòng chức năng...; gom điểm lẻ, mở rộng, xây mới trường, bảo đảm sĩ số trẻ/nhóm, lớp theo đúng Điều lệ trường mầm non.

Chung tay lo "hậu kiểm"

Theo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, qua đợt khảo sát một số cơ sở mầm non ngoài công lập vừa qua cho thấy, khâu "hậu kiểm" đối với các cơ sở sau khi được cấp phép hoạt động, nhất là đối với các nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ của cơ quan quản lý còn lỏng lẻo. Tại nhiều địa bàn còn để tồn tại tình trạng các nhóm lớp không bảo đảm điều kiện vẫn tổ chức đón trẻ, điển hình như tại huyện Chương Mỹ, chỉ có 36/87 nhóm lớp đang hoạt động được cấp phép.

Trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục (PA83, Công an TP Hà Nội) cho rằng, việc bạo hành trẻ ở một số nhóm lớp xảy ra thời gian qua cho thấy tầm quan trọng của việc phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình hoạt động của cơ sở sau khi đã được cấp phép. Ngoài ra, việc cho phép thành lập, hoạt động và tuyển chọn giáo viên đối với các cơ sở mầm non tư thục cũng cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Các sự cố xảy ra đối với trẻ đều có nguyên nhân từ việc giáo viên thiếu trình độ chuyên môn, không có kỹ năng sư phạm, chủ cơ sở chỉ quan tâm đến việc thu hồi vốn sớm, ít quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho việc chăm sóc trẻ...

Còn bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cho biết, các nhóm lớp thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, hoạt động mang tính thời vụ. Nếu chủ nhóm không tự giác tuân thủ quy định, thì cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát. Vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, tổ dân phố... chính là lực lượng "chân rết" để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ rủi ro tại các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn.

Theo Quy chế tổ chức hoạt động của trường mầm non tư thục do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, UBND cấp quận chịu trách nhiệm cấp phép thành lập cho trường mầm non, UBND cấp xã cấp phép thành lập cho các nhóm lớp. Rõ ràng, dù là cấp nào cấp phép, trong quá trình "hậu kiểm", lực lượng "chân rết" tại địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng. Song, trên thực tế thời gian qua cho thấy, quy định này vẫn chưa được thực hiện chu đáo ở nhiều nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần sự chung tay của nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.