Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh

Thống Nhất| 18/04/2018 07:09

(HNM) - Mặc dù số học sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tăng 22 nghìn em so với năm học trước, song Hà Nội vẫn đáp ứng nguyện vọng học tập cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó tỷ lệ vào trường THPT công lập chiếm 62%. Đây là nỗ lực không nhỏ của ngành Giáo dục - Đào tạo...

Một giờ học của học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Ảnh: Anh Tuấn


Tạo môi trường học tập phù hợp nhất

Việc gia tăng 22 nghìn học sinh vào lớp 10 tại Hà Nội đã được Sở Giáo dục - Đào tạo dự đoán từ cách đây 4 năm. Bởi khi đó, toàn ngành đã đối mặt với việc xoay xở để bố trí chỗ học cho lứa “dê vàng” vào lớp 6. Vì vậy, về cơ bản, việc bảo đảm chỗ học cho học sinh lớp 10 năm nay đã được chủ động triển khai, bảo đảm quyền lợi cho mọi học sinh có nguyện vọng, đồng thời tăng chỉ tiêu vào trường THPT công lập. Mặc dù Đề án số 104/ĐA-UBND ngày 30-9-2009 của UBND thành phố về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo quy định 60% học sinh THPT theo học trường công lập, song năm nay, tỷ lệ này của Hà Nội là 62%, tương ứng 64.990 học sinh. Ngoài ra, còn có gần 7,7% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, tương đương 8 nghìn học sinh. Như vậy, tỷ lệ học sinh học trường công lập năm học 2018-2019 là 69,7%, năm học trước là 68%.

Để đón các “dê vàng” bước vào bậc học THPT, Hà Nội đã điều chỉnh quy mô từ 40 học sinh/lớp lên 45 học sinh/lớp và tăng 327 lớp học. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Phạm Văn Đại, mặc dù quy mô lớp của các trường THPT năm nay tăng, song vẫn bảo đảm theo đúng Điều lệ trường học. Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ký hợp đồng bổ sung giáo viên để chuẩn bị đón học sinh vào lớp l0 trong vài tháng nữa.

“Tỷ lệ học sinh vào trường công lập bị hạn chế, vậy học sinh ở khu vực khó khăn hoặc thuộc diện chính sách không đủ điểm vào trường công lập, lại không có khả năng tài chính để chi trả học phí tại trường ngoài công lập thì sao? - ông Kiều Hoàng Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Thạch Thất (huyện Thạch Thất) băn khoăn. Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội) cho biết: Hà Nội luôn tạo điều kiện để học sinh được học tập trong môi trường tốt và phù hợp nhất. Các gia đình thuộc diện chính sách cũng không nên quá lo lắng, bởi học sinh dù theo học loại hình trường nào thì vẫn được hưởng chế độ hỗ trợ như quy định trong suốt thời gian học THPT.

Giải pháp gốc

Xây dựng trường học mới, cải tạo, mở rộng diện tích hiện có để đáp ứng tốt nhất nhu cầu về học tập là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô nhiều năm qua. Theo ông Nguyễn Thế Sơn, trước dự báo quy mô học sinh THPT từ nay đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 66 nghìn em (mỗi năm 22 nghìn học sinh), ngành Giáo dục - Đào tạo đã chủ động tham mưu xây dựng bổ sung trường học, trang thiết bị dạy, học... Trước mắt, để chuẩn bị đón học sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019, Hà Nội đã bổ sung 4 trường THPT mới, gồm: Xuân Phương, Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), Phan Huy Chú (Quốc Oai) và Kinh Đô (Đông Anh). Ngoài ra, từ nay tới trước ngày khai giảng năm học mới, có 40 trường THPT sẽ tiến hành cải tạo, mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy, học...

Một trong những giải pháp thiết thực của ngành Giáo dục - Đào tạo những năm gần đây là đẩy mạnh việc phân luồng học sinh theo học nghề, sau khi các em tốt nghiệp THCS bằng các chính sách hỗ trợ về học phí, chi phí học tập. Tại Hà Nội, số học sinh theo học trường nghề hiện là 6.300 em và đang có chiều hướng tăng. Từ năm học 2018-2019, Hà Nội sẽ "mở rộng cửa" đón học sinh vào các trường ngoài công lập. Học sinh có thể không tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhưng vẫn có thể được xét tuyển vào trường, chỉ với điều kiện đã tốt nghiệp THCS.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song rõ ràng, việc xoay xở để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh THPT trên địa bàn thành phố vẫn là một thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục - Đào tạo. Ông Nguyễn Thế Sơn cho rằng, trách nhiệm chính là ở chính quyền địa phương, trong đó sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện chủ trương ưu tiên quỹ đất, tập trung nguồn lực xây dựng trường học tại địa bàn. Đây là giải pháp gốc để giải quyết bài toán quá tải tại nhiều trường học hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.