Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục học sinh từ những câu chuyện nhỏ về Bác

Thống Nhất| 19/05/2018 07:58

(HNM) - Những ngày tháng 5 này, dù phải triển khai nhiều phần việc để chuẩn bị kết thúc năm học 2017-2018, song các trường học thuộc quận Hoàn Kiếm vẫn không quên tổ chức giới thiệu tới học sinh những cuốn sách ở “Tủ sách Bác Hồ” và thực hiện bài giảng trong tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh”.

Một buổi giới thiệu sách về Bác Hồ của Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) năm học 2017-2018.


Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, từ đầu năm học 2017-2018, ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm đã phát động các nhà trường xây dựng "Tủ sách Bác Hồ" với nhiều đầu sách đa dạng, phục vụ cho việc giáo dục học sinh. “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh” có lẽ là một trong những bộ sách được giáo viên các trường sử dụng thường xuyên và có tác động mạnh mẽ đến ý thức, hành vi của học sinh. Việc tuyên truyền, khích lệ học sinh học tập, làm theo những đức tính cao đẹp trong mỗi câu chuyện có trong "Tủ sách Bác Hồ" không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc ở nhà trường, mà còn là giải pháp thiết thực về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh Thủ đô.

Theo cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, bộ sách có giá trị giáo dục đạo đức, lối sống thiết thực, ý nghĩa đối với cả học sinh và giáo viên. Trong quá trình nghiên cứu bộ sách, giáo viên có cơ hội thấm nhuần những bài học của Bác về giáo dục đạo đức; thêm kỹ năng và kinh nghiệm trong quá trình giáo dục học sinh. Tiếp cận những đức tính tốt đẹp, tư tưởng nhân văn từ những câu chuyện về Bác, giáo viên là những người đầu tiên học tập, làm theo Bác, từ đó truyền cảm hứng, tạo sức lan tỏa tới học sinh.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Trưng Vương cho biết, ngoài việc tổ chức giới thiệu sách, nhà trường còn lồng ghép nội dung này vào môn đạo đức, tổ chức cho học sinh tìm hiểu về Bác, trong đó đặc biệt coi trọng nội dung liên hệ thực tế. Qua đó, việc học tập Bác không chỉ dừng lại ở việc “học tập”, mà còn được nâng lên ở mức độ “làm theo” và được cụ thể hóa bằng những phần việc cụ thể, thiết thực tại trường, tại gia đình và ngoài xã hội.

Học sinh Trần Bảo Ngọc, Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: Qua mỗi câu chuyện về Bác, em và các bạn xác định rõ thêm trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, rèn luyện. Em hiểu thêm giá trị của sự cố gắng, rèn luyện bền bỉ để đạt được thành công. Chúng em nỗ lực làm theo Bác, bắt đầu từ những việc nhỏ như giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; trung thực với thầy cô giáo, bạn bè và khi làm bài kiểm tra; dũng cảm nhận khuyết điểm khi mắc lỗi; biết chia sẻ, an ủi khi bạn cùng lớp gặp khó khăn...

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh" của Trường THCS Ngô Sỹ Liên mới đây, sau nội dung thi "Rung chuông vàng" với các câu hỏi liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, cô giáo Trần Hòa chia sẻ: "Qua gần một năm thực hiện giảng dạy và tuyên truyền bộ sách "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh", tôi cảm thấy vui và tự hào vì học sinh đã có những chuyển biến tích cực. Từ những cô, cậu học trò còn thiếu tự giác, các em đã chủ động hơn trong học tập, chăm sóc bản thân, tự giác tham gia lao động tập thể...

Nhiều phụ huynh vui mừng cho biết con đã có ý thức làm việc nhà; biết chuẩn bị bữa ăn khi bố, mẹ đi làm về muộn... Niềm vui giản dị ấy giúp tôi hiểu thêm rằng, thông qua những câu chuyện kể, tấm gương của Bác đã tác động tích cực đến các em, thôi thúc các em hoàn thiện mình. Dù mới là những chuyển biến nhỏ, nhưng là tín hiệu đáng mừng để những nhà giáo có thêm niềm tin và động lực tiếp tục học tập, làm theo Bác để hoàn thiện mình, từ đó lan tỏa tới học trò".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục học sinh từ những câu chuyện nhỏ về Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.