Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo tư duy mới về quản lý và đào tạo đại học

Thanh Hải| 13/06/2018 06:43

(HNM) - Tiếp tục kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, chiều 12-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.


Đẩy mạnh tự chủ đại học


Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo với tinh thần nghiêm túc, công phu, thận trọng, lắng nghe một cách rất có trách nhiệm và cầu thị với các ý kiến trong quá trình chuẩn bị dự thảo luật. Dự thảo lần này đã có những bước tiến quan trọng về cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, phản ánh tư duy mới về nâng cao chất lượng đại học, thể chế hóa rõ nét hơn quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội trường.
Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Góp ý về sự cần thiết phải đẩy mạnh tự chủ đại học, đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, đây là một trọng tâm then chốt cần được giải quyết triệt để và khả thi ở lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này. Đại biểu nêu rõ, dự thảo luật đã nhấn mạnh hơn vấn đề tự chủ về nhân sự cũng như tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, một điểm rất cần thiết và đề nghị bổ sung, đó là tự chủ về học thuật. “Giáo dục đại học là một lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò.” - Đại biểu Triệu Thế Hùng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đóng góp thêm, về tài chính và đầu tư cho đại học, luật phải cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng. Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường đại học trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dẫn đến đào tạo dư thừa, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho trường đại học là một quá trình, trong đó năng lực giải trình của cơ sở giáo dục phải gắn với những điều kiện cụ thể và chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học bảo đảm các điều kiện nhất định thì mới được trao quyền tự chủ...

Quy hoạch mạng lưới tránh “thừa thầy, thiếu thợ”

Cũng bàn về quy hoạch mạng lưới đào tạo, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) nhấn mạnh thêm, cần làm tốt vấn đề này, như thế sẽ tránh được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" và tránh được việc hàng năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.

“Các kỳ thi đại học vừa qua cho thấy có rất nhiều trường tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao (27 điểm), lựa chọn được nhiều sinh viên ưu tú, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, nhưng ngược lại cũng có những trường điểm đầu vào thấp, thậm chí chỉ xét tuyển học bạ. Hệ lụy là hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, kể cả trình độ đại học và trình độ thạc sĩ” - đại biểu nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với việc dự thảo luật đã khẳng định 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên là trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bên cạnh việc quy định các tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp cho mỗi một chức danh này thì luật cũng cần quy định rõ về cơ cấu, vị trí việc làm gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của những người được bổ nhiệm vào chức danh đó.

Làm rõ hơn những nội dung mà đại biểu Quốc hội đề cập, liên quan đến tự chủ tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Bộ cũng đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường theo cơ chế bỏ chủ quản. Về vấn đề lập Hội đồng trường, Bộ trưởng cho biết, theo dự thảo luật này thì quyền của Hội đồng trường như một số đại biểu nêu phải là cơ quan thực quyền cao nhất, nhưng thực quyền không có nghĩa là cơ quan làm công tác quản trị mà tập trung vào các nhiệm vụ về định hướng quyết định những vấn đề lớn và giám sát trong một chừng mực nào đó, nó cũng giống như Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, khi trình lên về định hướng thì Hội đồng có ý kiến, quyết định định hướng và những vấn đề lớn, sau đó tập trung giám sát, công khai, minh bạch.

“Hội đồng trường không đi vào những công việc có tính chất quản trị chi tiết, những người tham gia Hội đồng trường phải thực sự là những người có năng lực, những người có tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, phiên họp đã có 34 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và đã có 22 vị đại biểu được phát biểu tại hội trường. Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và mở rộng nhiều hội nghị để lấy ý kiến các chuyên gia và các nhà quản lý, đặc biệt các vị có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục đại học, các nhà khoa học về nghiên cứu thêm cùng với việc góp ý và hoàn thiện Luật Giáo dục vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo tư duy mới về quản lý và đào tạo đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.