Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết không để "nóng" chuyện thu - chi

Thống Nhất| 09/08/2018 07:02

(HNM) - Còn gần một tháng nữa mới đến ngày khai giảng năm học mới 2018-2019 song vấn đề thu - chi đã trở thành đề tài

TP Hà Nội đã có quy định rõ về các khoản thu, chi đầu năm học mới. Ảnh: Thái Hiền


Mối lo các khoản ngoài học phí

Năm học 2018-2019 là năm học đầu tiên các trường mầm non và phổ thông công lập tại Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới với mức thu đối với học sinh khu vực thành thị là 155.000 đồng/tháng/học sinh; 75.000 đồng/tháng/học sinh khu vực nông thôn; 19.000 đồng/tháng/học sinh khu vực miền núi, cao hơn mức thu của năm học trước đối với mỗi học sinh lần lượt ở từng khu vực là 45.000 đồng - 20.000 đồng - 5.000 đồng.

Ông Kiều Hoàng Nam, phụ huynh học sinh Trường THCS Thạch Thất (huyện Thạch Thất) cho rằng: Việc thu, chi học phí được thực hiện với các quy định rõ ràng, công khai. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại quan tâm vấn đề nhà trường hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động quyên góp để mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị bằng nhiều cách thức khiến các ông bố, bà mẹ "phải tự nguyện".

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND yêu cầu các nhà trường chấm dứt việc thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường. Vậy, trong trường hợp có nhà hảo tâm muốn ủng hộ kinh phí hoặc trang thiết bị để hỗ trợ việc dạy và học cho nhà trường thì sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin: Nếu phụ huynh, các nhà hảo tâm có nguyện vọng tài trợ (bằng tiền hoặc hiện vật), nhà trường áp dụng theo các quy định của Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về "tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân". Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, các nhà trường có thể khuyến khích nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy, học, song phải tuân theo nguyên tắc không được coi việc huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục...

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản, yêu cầu các trường tuân thủ danh mục các khoản thu ngoài học phí đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, bao gồm dạy thêm, học thêm, nước uống, học 2 buổi/ngày, học phẩm, quần áo đồng phục... UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt bằng văn bản về mức thu khác của các trường học trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Các trường chỉ được tổ chức thu khi đã có sự phê duyệt của cơ quan quản lý và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Kỷ luật hiệu trưởng để xảy ra lạm thu


Trước tình trạng nhiều nơi lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định, năm học 2018-2019, TP Hà Nội yêu cầu tất cả các trường học không được thực hiện hoặc đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ học sinh, cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Cũng từ năm học 2018-2019, các nhà trường không được phép tùy tiện lập các loại quỹ hoặc để ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.

Các khoản thu ngoài học phí luôn được dư luận quan tâm. Ảnh: Thái Hiền


Quy định đã có, nhưng việc tuân thủ của các nhà trường ra sao và mức độ xử lý như thế nào đối với các sai phạm lại là một vấn đề khác. Thực tế những năm trước, hầu hết sai phạm tại các nhà trường liên quan đến công tác thu - chi chỉ bị xử lý ở mức nhắc nhở, trả lại khoản thu sai quy định, chưa thấy ai bị kỷ luật như giáng chức hoặc điều chuyển công việc. Điều này khiến cho việc "chữa" căn bệnh lạm thu trở nên khó khăn, không ít nơi vẫn cố tình "lách luật", tự đặt ra các khoản thu khiến cho danh mục các khoản thu của nhà trường ngày càng dài.

Trước sự băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc liệu có tình trạng "giơ cao, đánh khẽ" đối với các trường hợp sai phạm hay không, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, từ năm học 2018-2019, Hà Nội quy định rõ về trách nhiệm của hiệu trưởng đối với hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu nhiều, thu sai. Hiệu trưởng không thể để ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý lập các loại quỹ hoặc không biết ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động thu góp những khoản ra sao, để làm gì.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định: Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định của nhà trường và của cả ban đại diện cha mẹ học sinh. Cũng từ năm học mới, ngoài việc phải trả lại khoản thu sai quy định, hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Danh mục các khoản cấm thu trong trường học: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh của nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết không để "nóng" chuyện thu - chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.