Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạo lực học đường: Chặn từ gốc

Thanh Tàu| 29/10/2018 06:15

(HNM) - Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường cả nước nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Vấn đề này đòi hỏi có giải pháp ngăn chặn từ gốc.

Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12, nơi xảy ra vụ bảo mẫu bạo hành trẻ năm 2017.


Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 24 vụ bạo lực học đường. Gần đây, ngày 2-10-2018, nhiều phụ huynh lớp 5, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) cho biết thầy giáo Nguyễn Phú Quốc đã tát, đánh học sinh vì làm thiếu bài tập về nhà, nói chuyện riêng trong lớp... khiến không ít học sinh sợ hãi.

Tương tự, khoảng 10h30 ngày 25-4-2017, một nữ sinh tên Th (học lớp 6A10, Trường Trung học cơ sở Ngô Chí Quốc) bất ngờ bị một nhóm nữ sinh đến gây gổ, sau đó lao vào đánh. Th. liền lấy dao đâm túi bụi hòng chống trả, khiến N.T.N.T (15 tuổi) và N.T.T.V (15 tuổi) đều là học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Chí Quốc bị trọng thương...

Để phòng, chống tình trạng này, anh Lê Phú Trí có con học tại Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần sự phối kết hợp của gia đình, xã hội và nhà trường. Trong đó, gia đình là nền tảng, cha mẹ là tấm gương quyết định văn hóa ứng xử và nhà trường có vai trò rất quan trọng. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức các chuyên đề và xây dựng Quy tắc ứng xử ngắn gọn dễ hiểu, xây dựng văn hóa, kỷ cương trong nhà trường.

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và Quyết định 5886/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021. Đây được xem là những giải pháp giúp ngành Giáo dục phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề nghị các trường học cần hoàn thiện cơ sở vật chất, từng bước tạo được môi trường trường học an toàn. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, đẩy mạnh thực hiện, xây dựng Quy tắc văn hóa ứng xử trong nhà trường và triển khai các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường.

Để thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, trước hết phải nói đến sự chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý trong việc đề ra các giải pháp cụ thể tại đơn vị. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, môi trường giáo dục hiện không còn khép kín như trước đây, đòi hỏi nhà trường, thầy cô giáo phải từng bước thay đổi phương pháp để đáp ứng sự phát triển đó.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình cho hay: “Là một giáo viên đứng lớp trực tiếp với bộ môn giáo dục công dân, ngoài truyền tải kiến thức, chúng tôi còn dạy các em cách làm người, hành xử đúng mực...”.

Rõ ràng, để ngăn chặn từ gốc bạo lực học đường, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát từ nhiều phía, gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng quan trọng nhất, học sinh phải luôn phải là chủ thể trung tâm, được sống và học tập trong môi trường an toàn, chuẩn mực nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực học đường: Chặn từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.