Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là mối lo học phí

Thống Nhất| 01/11/2018 06:59

(HNM) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những kết quả tiêu biểu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về


Mô hình thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 được thực hiện theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-10-2014. Đến nay, cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 3 năm qua, mô hình tự chủ bước đầu góp phần tạo ra chuyển biến tích cực, các cơ sở giáo dục đại học đã đạt được một số kết quả khả quan được xã hội công nhận, điển hình như việc các trường chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế...

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - một trường được giao quyền tự chủ.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc thông tin: Minh chứng rõ nhất cho sự chuyển biến tích cực của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là đã có 2 trường lọt vào tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới vào năm 2018, 7 trường được xếp trong tốp 500 trường đại học hàng đầu châu Á... Không chỉ được xướng tên trong bảng xếp hạng thế giới và châu lục, một số trường đã khẳng định uy tín bằng việc tăng hạng trong bảng xếp hạng năm 2019 của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Anh) so với năm 2018, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 15 bậc, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tăng 30 bậc... Kết quả này cho thấy hiệu quả của chủ trương giao quyền tự chủ cho các nhà trường, tạo thuận lợi để các nhà trường phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo và thế mạnh riêng...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (Ban Tuyên giáo Trung ương), nếu như trước khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Việt Nam chưa có trường nào nằm trong tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới thì nay đã có 2 trường; số trường lọt vào tốp các trường đại học hàng đầu trong khu vực châu Á cũng tăng từ 2 trường lên 7 trường. Một kết quả khác đáng ghi nhận là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp đạt 84%, thể hiện chất lượng đào tạo thực chất và uy tín, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu xã hội của các nhà trường.

Trường tự chủ có thể thu phí cao?

Mặc dù đã có sự khởi sắc, song việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập vẫn khiến dư luận và cả các nhà trường băn khoăn, nhất là về vấn đề học phí. Bà Nguyễn Tuyết Mai - phụ huynh học sinh lớp 12, Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) băn khoăn: Nếu sắp tới chủ trương tự chủ được mở rộng cho nhiều trường đại học thì liệu có xảy ra tình trạng các trường đồng loạt tăng mức học phí hay không? Việc tăng học phí có làm cản trở cơ hội học tập của những học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách đang trong ngưỡng cửa vào đại học?

Ở một khía cạnh khác, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) cho rằng, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ khi thực hiện mô hình tự chủ thì có thể xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà trường có cùng ngành nghề, cùng nội dung đào tạo. Bởi để thu hút sinh viên, các trường có thể đưa ra những hình thức ưu đãi khác nhau, trong đó có việc giảm học phí. Khi nguồn thu từ học phí giảm, nếu không có các giải pháp hữu hiệu mang tính căn bản thì các trường sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến việc tự ý cắt giảm thời gian, nội dung dạy học, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhận định, mức học phí được xây dựng căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện bảo đảm chất lượng, mục tiêu đào tạo và khả năng chi trả của người dân. Phụ huynh học sinh, sinh viên không nên quá lo lắng, bởi có tăng học phí hay không là điều mà các trường đều phải cân nhắc kỹ, không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự công bằng để mọi học sinh, sinh viên đều có cơ hội học đại học có chất lượng, thể hiện qua việc tham mưu đưa vào luật quy định về việc nhà nước phải có trách nhiệm về học bổng và chính sách dành cho đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách. Ngoài việc được giao quyền tự chủ về tài chính, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học hướng tới mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài sản, khoa học và công nghệ... nhằm tạo thuận lợi cho các trường phát triển tối đa năng lực. Tuy nhiên, đi liền với quyền được tự chủ, dự thảo cũng đưa ra quy định các trường phải có trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường hoạt động theo mô hình tự chủ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là mối lo học phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.