Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau chính biến ở Zimbabwe

Minh Hiếu| 26/11/2017 07:13

(HNM) - Ngày 21-11, sau hàng loạt diễn biến căng thẳng tại Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe đã gửi thư từ chức tới Quốc hội nước này, kết thúc sự nghiệp chính trị của một trong những nhà lãnh đạo lâu đời nhất tại Châu Phi.

Ông R.Mugabe năm nay 93 tuổi, đã lãnh đạo đất nước Zimbabwe suốt 37 năm qua. Ông được coi là anh hùng dân tộc của Zimbabwe, nhưng lại bị chỉ trích vì khiến nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Sở hữu 7 tấm bằng đại học, ông từng là giáo viên trước khi trở thành nhà hoạt động và tham gia đảng Mặt trận yêu nước thống nhất quốc gia Châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF) năm 1960 và được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký một năm sau đó.

Ông cũng từng bị bắt giam bởi chính phủ cầm quyền và bị kết án tạm giữ chính trị năm 1964. 10 năm sau, ông trốn thoát sang Mozambique trước khi quay trở lại lãnh đạo phong trào độc lập ở Zimbabwe năm 1979. R.Mugabe trở thành Thủ tướng quốc gia Châu Phi này từ năm 1980 tới năm 1987, sau đó giữ cương vị Tổng thống đến khi từ chức.

Những năm đầu nắm quyền, nhà lãnh đạo Zimbabwe nhận nhiều lời khen ngợi nhờ các biện pháp cải cách ruộng đất, tăng cường dịch vụ xã hội, như xây dựng trường học và bệnh viện. Tuy được coi là người hùng khi đứng lên đòi quyền lợi cho người da màu nhưng những luật lệ và chính sách áp dụng thời Tổng thống R.Mugabe lại bị chỉ trích vì đã đẩy quốc gia này vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Sai lầm nghiêm trọng đầu tiên của Tổng thống R.Mugabe là vào năm 2000, khi ông ra lệnh tịch thu các trang trại thuộc sở hữu của người da trắng. Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho nông dân da màu không có kinh nghiệm canh tác, được cho là có quan hệ thân thiết với đảng Zanu-PF cầm quyền và gia đình Tổng thống. Sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên diễn ra cùng năm, Tổng thống R.Mugabe đã buộc phải sử dụng quân đội để trấn áp và duy trì quyền lực của mình và đảng cầm quyền. 8 năm sau, kịch bản của năm 2000 lặp lại khi ông để thua trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử.

Một nguyên nhân khác khiến căng thẳng leo thang tại Zimbabwe là khi Tổng thống R.Mugabe cưới người vợ thứ hai, kém ông 40 tuổi, là Grace Mugabe sau khi người vợ đầu qua đời vì bệnh ung thư. Bà Mugabe cũng được cho là đã xúi giục chồng cách chức người phụ tá thân cận là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa (75 tuổi). Quyết định này chính là giọt nước tràn ly khiến quân đội tiến hành các biện pháp can thiệp.

Trước khi biến cố xảy ra, dù sức khỏe suy giảm và vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía đảng đối lập, Tổng thống R.Mugabe vẫn không có kế hoạch từ bỏ vị trí của mình. Tuy vậy, trước sức ép từ dư luận và khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu luận tội, ông đã phải chấp nhận gửi thư từ chức với điều kiện ông và gia đình không bị truy tố và được giữ nguyên tài sản. Phó Tổng thống bị cách chức E.Mnangagwa là người được tin tưởng lựa chọn để thay thế ông R.Mugabe, trở thành Tổng thống đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 9-2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phía sau chính biến ở Zimbabwe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.