Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc cách mạng nữ quyền tại Saudi Arabia

Minh Hiếu| 14/01/2018 07:51

(HNM) - Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là quốc gia Hồi giáo sở hữu nhiều luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ không thể tự đi ra ngoài một mình, không được để lộ tóc nơi công cộng...


Theo báo cáo năm 2016 về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Saudi Arabia xếp hạng 141/144 quốc gia được khảo sát về bình đẳng giới, chỉ xếp trên Syria, Pakistan và Yemen. Tuy nhiên, sự thay đổi đã bắt đầu tại quốc gia Trung Đông này. Được phép lái xe và mới đây nhất là được quyền vào sân vận động xem các trận đấu thể thao, phụ nữ Saudi Arabia giờ đã có thể đặt hy vọng vào một tương lai không còn sự phân biệt đối xử.

Trước đây, những thay đổi về địa vị của phụ nữ trong xã hội Saudi Arabia diễn ra khá chậm chạp. Những năm 1960, Quốc vương Faisal bin Abdulaziz Al Saud từng hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ các thế lực bảo thủ khi đề ra chương trình giáo dục công cho trẻ em gái. Dưới thời Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz Al Saud, phụ nữ lần đầu tiên được làm công việc nhân viên bán hàng và các vị trí khác trong siêu thị. Ông cũng đã chỉ định 30 thành viên nữ vào Hội đồng Shura - một trong những cơ quan cố vấn quan trọng nhất nước này.

Trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ Saudi Arabia đã xây dựng nhiều trường đại học dành cho nữ và số lượng sinh viên theo học ngày càng tăng lên. Những thay đổi được đánh giá là mạnh mẽ nhất đang được thực hiện kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman được trao quyền kế vị.

Các ứng dụng xe ở Saudi Arabia cũng đang tuyển dụng các lái xe nữ, khi lệnh cấm phụ nữ lái xe sẽ chính thức được dỡ bỏ vào tháng 6 tới. Theo một thống kê được đăng tải trên trang CNN, nữ giới hiện chiếm khoảng 80% lượng khách hàng thường xuyên của các tài xế Uber và 70% đối với ứng dụng gọi xe Careem ở Saudi Arabia. Careem cho biết, hãng đã nhận được hàng nghìn đơn đăng ký từ các phụ nữ Saudi Arabia muốn trở thành tài xế taxi và đang có dự định tuyển hơn 10.000 nữ tài xế vào tháng 6 năm nay. Careem cũng cho rằng, các lái xe nữ sẽ giúp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho những phụ nữ di chuyển một mình.

Khi Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố sẽ cho phép phụ nữ lái xe và vào sân vận động, các nhà hoạt động vì nữ quyền kỳ vọng động thái này sẽ mang lại những ý nghĩa to lớn hơn thế. Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại. Các trường học lái xe cho nữ chưa được mở và những người đàn ông bảo thủ vẫn có thể ngăn cấm vợ con mình.

Phụ nữ tại quốc gia vùng Vịnh này cũng không thể kết hôn, ly dị, đi du lịch, tìm việc làm hoặc phẫu thuật tự nguyện mà không có sự đồng ý của người giám hộ là nam giới - thường là cha, chồng hoặc thậm chí là con trai họ. Các nhà hoạt động nữ quyền cho biết, giai đoạn tiếp theo trong cuộc đấu tranh của họ là chống lại luật lệ giám hộ để hướng tới việc xóa bỏ hoàn toàn những hạn chế đối với phụ nữ Saudi Arabia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng nữ quyền tại Saudi Arabia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.