Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cuộc khủng hoảng" thuốc giảm đau

Hoàng Khuê| 28/01/2018 08:10

(HNM) - Chính quyền thành phố New York của Mỹ đã nộp đơn lên Tòa án Tối cao bang New York kiện các


Như vậy New York đã gia nhập danh sách các bang và thành phố trên khắp nước Mỹ khởi kiện các hãng dược phẩm lớn gây ra nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Hầu hết các đơn kiện đều cáo buộc ngành dược phẩm đã tiến hành các chiến dịch tiếp thị quảng bá sản phẩm theo chiều hướng hạ thấp nguy cơ gây nghiện của nhóm thuốc giảm đau opioid (thuốc kê theo đơn có thành phần hóa học như heroine, với hiệu ứng giảm đau tương tự morphine).

Trên thực tế, sau khi sử dụng nhóm thuốc opioid để giảm đau, phần lớn bệnh nhân đã nghiện các loại thuốc này như nghiện ma túy. Dù bác sĩ đã ngừng kê thuốc trên sau điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân đã bị nghiện và chuyển sang sử dụng heroine vì chi phí rẻ hơn. Các hãng dược phẩm có tên trong vụ kiện bao gồm Purdue Pharma (chế tạo thuốc giảm đau OxyContin bán chạy nhất thế giới), Teva Pharmaceuticals USA, Johnson&Johnson và Janssen Pharmaceuticals. Các hãng bán buôn thuốc bị "điểm danh" trong đơn kiện là McKesson, Cardinal Health và AmerisourceBergen.

Thị trưởng New York Bill de Blasio cáo buộc những công ty trên đã khiến hàng triệu người Mỹ trở thành con nghiện, từ đó thu lời hàng tỷ USD. Theo các thống kê chỉ ra, ở Mỹ có 63.600 người tử vong trong năm 2016 do sử dụng thuốc quá liều, tức là khoảng 174 người mỗi ngày. Cũng trong năm này, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau đã khiến tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm năm thứ hai liên tiếp.

Năm 2016 cũng là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử New York khi đã có hơn 1.000 người tử vong do uống thuốc giảm đau quá liều, cao hơn số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn ô tô và án mạng cộng lại và tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2010-2016. Tương tự như các bang và thành phố khác của Mỹ, chính quyền thành phố New York cáo buộc các hãng dược phẩm đã quảng cáo dối trá trong khi các nhà phân phối đã cung cấp quá nhiều thuốc giảm đau được kê đơn, khiến cho thành phố phải gánh các khoản chi phí về y tế, xét xử tội phạm và thực thi luật pháp gia tăng đáng kể. Ủy ban Cố vấn kinh tế Nhà trắng (CEA) cũng cho biết, việc lạm dụng thuộc giảm đau đã gây thiệt hại tới 500 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2015.

Ngoài các kênh phân phối chính thức, tình hình buôn bán trái phép các loại thuốc giảm đau dạng opioid cũng hết sức phức tạp, đặc biệt là qua các kênh ẩn danh trên mạng internet. Có thể nói, việc lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ như cách Thị trưởng Blasio đánh giá thì: “Thực sự là một thảm kịch quốc gia!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc khủng hoảng" thuốc giảm đau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.