Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngọn lửa bất diệt

Minh Hiếu| 22/07/2018 07:24

(HNM) - Ngày 18-7 vừa qua, nhiều nơi tại Nam Phi đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng thống Nelson Mandela, biểu tượng vĩ đại của tình yêu hòa bình, tinh thần đấu tranh vì tự do, bình đẳng.


Nelson Mandela (18/7/1918 - 5/12/2013) là Tổng thống Nam Phi giai đoạn 1994-1999 và là tổng thống đầu tiên của quốc gia này được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước, ông là nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid và là người đứng đầu phái vũ trang Umkhonto we Sizwe của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

Năm 1962, ông bị bắt giữ với tội danh phá hoại chính trị cùng nhiều tội danh khác và bị tuyên án tù chung thân. Nelson Mandela trải qua 27 năm bị giam cầm, phần lớn ở đảo Robben. Sau khi được trả tự do vào ngày 11-2-1990, Nelson Mandela lãnh đạo đảng ANC trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc tại Nam Phi vào năm 1994.

Kể từ khi rời khỏi vị trí Tổng thống vào năm 1999, Nelson Mandela vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ cho cộng đồng. Ông tích cực tham gia hoạt động chống đại dịch HIV/AIDS và góp phần không nhỏ giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010. Ông cũng tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình ở Congo, Burundi và nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhờ những đóng góp to lớn ấy, Nelson Mandela nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn 4 thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình, Huân chương Lênin của Liên Xô và Huân chương Tự do của Mỹ. Tại Nam Phi, ông được đặc biệt kính trọng và trìu mến gọi là Cha già dân tộc. Lần xuất hiện cuối cùng của Nelson Mandela trước công chúng là vào trận chung kết World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi. Ông qua đời vào năm 2013 ở tuổi 95.

Tại Nam Phi, trọng tâm chuỗi kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng thống Nelson Mandela là các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Toàn thể người dân Nam Phi tình nguyện xây nhà cho người vô gia cư và xây dựng phòng khám cho người nghèo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi cho biết, nhiều tờ tiền giấy sẽ được phát hành với hình ảnh phác họa cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng thống Nelson Mandela, cùng đồng tiền vàng trị giá 1 ounce khắc họa chân dung của ông ở độ tuổi trung niên do nghệ nhân Zimbabwe Sindiso Nyoni thiết kế.

Năm 2009, Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 18-7 là Ngày quốc tế Nelson Mandela. Trong dịp kỷ niệm này, Liên hợp quốc kêu gọi tất cả mọi người dành 67 phút để giúp đỡ người khác. Đây cũng chính là số năm trong cuộc đời mình mà Nelson Mandela đã cống hiến cho hòa bình với tư cách là chiến sĩ bảo vệ nhân quyền, tù nhân chính trị, chiến sĩ thiện nguyện quốc tế. Nhân Ngày quốc tế Nelson Mandela năm nay,

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, hình ảnh Nelson Mandela là biểu tượng cho các giá trị toàn cầu như hòa bình, vị tha, khiêm tốn, chính trực, lòng nhiệt huyết. Ông đã cho thấy đây không chỉ là tư tưởng trừu tượng mà là những hành động cụ thể mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọn lửa bất diệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.