Theo dõi Báo Hànộimới trên

John Reed và “Mười ngày rung chuyển thế giới”

Thu Hằng| 06/11/2018 08:51

(HNMO) - Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Đây là một trong những sự kiện chính trị lớn nhất của thế kỷ XX và có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình tiếp theo của lịch sử thế giới.

“Không thể phủ định rằng Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử, và sự trỗi dậy của người Bolshevik là một sự kiện phi thường với tầm vóc toàn cầu” (John Reed - “Mười ngày rung chuyển thế giới”)


Nhà báo Mỹ chứng kiến Cách mạng Tháng Mười Nga

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (diễn ra ngày 7-11-1917 theo lịch mới) do V.I.Lenin và những người Bolshevik lãnh đạo đã đập tan ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, đưa công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới. Đây là một trong những sự kiện chính trị lớn nhất của thế kỷ XX và có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình tiếp theo của lịch sử toàn thế giới.

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới” của nhà báo Mỹ John Reed


Chứng kiến sự kiện vĩ đại đó, nhà báo Mỹ John Reed đã viết cuốn sách nổi tiếng “Ten days that shook the world” (Mười ngày rung chuyển thế giới). Cuốn sách gồm 12 chương, diễn giải nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng và quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này, ra mắt lần đầu tiên năm 1919 do Nhà xuất bản Boni & Liveright (Mỹ) ấn hành.

Trong lời nói đầu, John Reed viết: “Cuốn sách là một lát cắt của trang sử mãnh liệt mà tôi được chứng kiến. Cuốn sách không cố để trở thành một cái gì hơn là một tường thuật chi tiết về cuộc Cách mạng Tháng Mười, khi thợ thuyền và binh lính do những người Bolshevik lãnh đạo, đã giành chính quyền và trao nó vào tay các Xô viết”.

Mặc dù John Reed giới thiệu với người đọc về cuộc cách mạng qua góc nhìn của một người ngoại quốc nhưng ông đã đem đến cho độc giả một cảm nhận hết sức chân thực và toàn cảnh về cuộc cách mạng vĩ đại ở nước Nga. Có thể nói, trong “Mười ngày rung chuyển thế giới”, John Reed đã làm được đúng như những gì chính ông từng kì vọng, đó là: “Kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy bằng con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thật”.

Nhà báo Mỹ John Reed miệt mài làm việc.


Ngay sau khi xuất bản, “Mười ngày rung chuyển thế giới” đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Lãnh tụ Lenin viết thư cho nhà xuất bản ở Mỹ: “Sau khi đã đọc xong một cách vô cùng hứng thú và chăm chú từ đầu đến cuối cuốn sách của John Reed, tôi hết lòng giới thiệu tác phẩm này với công nhân tất cả các nước. Tôi mong muốn cuốn sách được phát hành hàng triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng vì nó rất sinh động khi diễn tả về những sự kiện cực kỳ quan trọng, giúp mọi người hiểu thế nào là cách mạng vô sản, thế nào là chuyên chính vô sản. Những vấn đề đó ngày nay đang được thảo luận rộng rãi, nhưng trước khi bác bỏ những ý kiến này, cần phải hiểu hết ý nghĩa của sự quyết định của mình. Chắc chắn là cuốn sách của John Reed sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề căn bản này của phong trào công nhân toàn thế giới”. 

“Mười ngày rung chuyển thế giới” được đánh giá là một tác phẩm văn học có giá trị, đã tường thuật chân thật về cuộc Cách mạng tháng Mười và là tác phẩm đầu tiên trên thế giới công bố sự thật về cuộc cách mạng này. Cho tới nhiều thập kỷ sau, tác phẩm này vẫn được tạp chí New York Times xếp vào danh sách “100 ấn phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”. 

Mười ngày rung chuyển thế giới 

John Reed là nhà báo cánh tả Mỹ đã đến nước Nga vào mùa hè năm 1917. Thời điểm này, nước Nga vừa trải qua cuộc Cách mạng Tháng Hai và tồn tại hai chính quyền: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các Xô viết đại biểu công nhân, nông dân, binh lính. Tại đây, ông đã được chứng kiến bước chuyển mình của xã hội Nga, báo trước một cơn bão cách mạng đang tràn đến. 

Các trung đội thủy thủ có vũ trang và binh lính được gửi đến Cung điện mùa đông vào những ngày tháng 10-1917


John Reed lăn lộn suốt từ sáng sớm đến tận đêm. Địa vị một phóng viên Mỹ đã mở rộng cửa cho ông vào bất cứ nơi nào. Chỉ đến đêm khuya ông mới ngồi vào bàn viết. Ông cho rằng cần phải ghi ngay lên giấy tất cả những cảm xúc trực tiếp, những tâm trạng, cảm nghĩ của mình trước khi ngày mới mang tới những dòng cảm xúc mới không hề lặp lại. 

Có lẽ vì thế mà cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới” của ông có giá trị to lớn không chỉ vì nó đã trình bày suốt cả quá trình cuộc cách mạng Nga với độ chính xác đến từng chi tiết của nhà viết sử mà còn bởi nó đã truyền đạt được cả bầu không khí và bản sắc của thời đại, giúp người đọc như được sống lại những ngày cách mạng hào hùng.

Điện Smolny ở Petrograd trong những ngày tháng Mười năm 1917


Đây là đoạn ông mô tả Petrograd (nay là St.Petersburg) trước những ngày rung chuyển thế giới: “Bầu trời nặng trĩu và xám ngắt, ngày ngắn dần, mưa tầm tã không ngớt. Đường ngập bùn, trơn như đổ mỡ, dính nhơm nhớp, in đầy những vết ủng nặng nề, tình trạng lại càng bi đát hơn nữa vì mọi hoạt động của các công sở bị ngừng trệ. Những cơn gió rét buốt và ẩm ướt từ vịnh Phần Lan thổi vào, sương mù lạnh lẽo luồn qua các phố. Ban đêm, để tiết kiệm điện và cũng để đề phong khinh khí cầu Đức, đèn ngoài đường chỉ thấy thưa thớt. Muốn mua sữa, bánh mì, đường, thuốc lá phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ dưới trời mưa rét. Một đêm họp suốt tới sáng mới về, tôi đã thấy cảnh tượng này: Người mua bắt đầu xếp hàng từ trước lúc rạng đông, phần đông là đàn bà, có người bồng cả con nhỏ… Tôi lắng nghe câu chuyện của những người xếp hàng chờ bánh mì. Những người dân Nga dễ tính kỳ lạ này thỉnh thoảng cũng phải thốt ra những lời nói phẫn nộ, chua chát”… Trước khi nằm xuống ngủ, ông còn ghi vào sổ tay: “Cả thành phố đồ sộ và sôi động đang lao nhanh hơn để chờ đón một cái gì đó ngay dưới trời mưa buốt thấu xương và dưới bầu trời ảm đạm, nặng trĩu”.

Rạng sáng 7-11-1917 (25-10 theo lịch Nga cũ) lực lượng khởi nghĩa đã bao vây và sẵn sàng tấn công Cung điện Mùa Đông ở Petrograd nơi chính quyền tư sản phản động chiếm giữ.


Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra vào ngày 7-11-1917, John Reed đã thấy được sức mạnh của quần chúng công nông binh dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của những người Bolshevik. Ông đã có mặt ở các địa điểm nóng bỏng nhất, từ Cung điện Mùa đông đến Điện Smolny, nơi trở thành bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa vũ trang trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Petrograd và cả ở bên các chiến lũy trên đường phố Moscow sục sôi cách mạng. 

Lệnh yêu cầu đầu hàng được đưa ra, song chính quyền tư sản phản động đã từ chối. Đúng 21h45 phút tối 7-11-1917, Chiến hạm Rạng Đông nhận lệnh nã pháo mở màn cho cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông. Chiến hạm Rạng Đông trở thành một trong những biểu tượng chính của Cách mạng Tháng Mười Nga


Nhiều ngày gần như không ngủ, John Reed thường xuyên chuyện trò với mọi tầng lớp người Nga: Từ quan chức Chính phủ lâm thời đến các lãnh tụ Bolshevik; từ quý tộc Nga đến những người đánh xe ngựa. Không giây phút nào ông quên rằng mình là nhà báo và tranh thủ mọi hoàn cảnh để thu thập tư liệu cho cuốn sách tương lai của mình.

Sau này, John Reed viết: “Trong lăn lộn, tình cảm của tôi đã không hề trung lập. Nhưng kể lại câu chuyện về những ngày vĩ đại này, tôi đã cố nhìn các sự việc với con mắt của một người viết phóng sự tận tâm, chỉ tập trung vào để chuyển tải sự thật. Tôi nhận thấy những người Bolshevik không hề là một lực lượng phá hủy, mà là Đảng duy nhất ở Nga lúc đó có một chương trình hành động mang tính xây dựng, và có một sức mạnh để thực hiện chương trình này ở nước Nga. Những người Bolshevik đâu có phiêu lưu, khi họ lao vào lịch sử như đầu tàu của quần chúng lao động, và nhằm giành cho được những nguyện vọng lớn lao của họ”.

Lãnh tụ Đảng Bolshevik V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết tại Đại hội Xô viết ngày 7-11-1917 tại điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông


Ngoài cái đêm Cung điện Mùa Đông bị đánh chiếm, John Reed còn ghi lại cho lịch sử một đêm nữa, cái đêm mà Smolny cách mạng lần đầu tiên đón Lenin. John Reed đã rất hạnh phúc khi ông cùng giai cấp công nhân và nông dân Nga chào đón Lenin sau chiến thắng.

“Tiếng hoan hô như sấm dậy báo tin Chủ tịch đoàn đã tới, trong đó có Lenin - Lenin vĩ đại. Đó là một người nhỏ nhắn, trán dô, đầu hói. Đôi mắt Người nheo nheo, chiếc mũi hơi to, miệng rộng vẻ đôn hậu, chiếc cằm rộng cạo sạch sẽ nhưng đã thấy râu bắt đầu đâm ra… Áo đã sờn và quần thì dài quá. Trông hình thức bề ngoài thì không có gì để quần chúng tôn sùng; vậy mà trong lịch sử, ít có lãnh tụ được yêu mến và kính phục như Người. Một lãnh tụ nhân dân kỳ lạ, được suy tôn hoàn toàn nhờ trí tuệ của mình, không bóng bẩy, không hài hước, không khoan nhượng, thư thái ung dung, không có nét gì đặc biệt nổi bật, nhưng có tài giải thích những ý kiến sâu sắc bằng những lời lẽ giản dị, phân tích tình hình một cách cụ thể và kết hợp sự mềm dẻo sáng suốt với sự táo bạo nhất về trí năng… Lenin đứng, hai tay nắm chặt lấy rìa bàn; Người đưa đôi mắt nhỏ chớp chớp nhìn khắp một lượt, nét mặt bình thản giữa những tiếng hoan hô vang dậy hồi lâu. Khi tiếng hoan hô chấm dứt, Người nói: “Bây giờ chúng ta bắt tay vào việc xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa”. Tiếng hoan hô lại ầm ầm nổi lên. Khi Lenin nói, cái miệng rộng của Người như mỉm cười, giọng nói ồ ồ, nhưng nghe không thấy khó chịu và hình như nó đã rắn lại như vậy sau bao nhiêu năm diễn thuyết, giọng nói đều đều và dường như có thể vang lên mãi… Khi muốn nhấn mạnh vào một ý nào, Người hơi vươn người về phía trước. Trong những câu nói của Người có một cái gì bình tĩnh, mạnh mẽ làm xúc động tâm hồn. Người ta hiểu tại sao khi Lenin nói thì quần chúng tin tưởng”.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

John Reed sinh ngày 22-10-1887 ở thành phố Portland, thuộc bang Oregon, Mỹ trong một gia đình khá giả. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1910, ông viết văn và làm báo. 

Nhà báo Mỹ John Reed


Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm 1914, với tư cách là phóng viên chiến trường của Tạp chí Metropolitan, John Reed đã tới một loạt nước châu Âu như Pháp, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để tìm hiểu bản chất của cuộc chiến. Ông viết nhiều bài báo tố cáo tội ác chiến tranh và luôn nhấn mạnh nước Mỹ nên đứng ngoài cuộc chiến này.

Bước ngoặt lớn nhất với cuộc đời John Reed là khi ông đến nước Nga mùa hè năm 1917 cùng với vợ, nữ nhà báo đồng hương Louise Bryant. Không chỉ chứng kiến những ngày tháng nước Nga sôi sục chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lật đổ chính phủ lâm thời, John Reed còn trực tiếp tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Mười như một chiến sĩ cách mạng. 

Sau khi được Leon Trotsky giới thiệu đến gặp Lenin vào tháng 1-1918, John Reed dường như đã trở thành một thành viên thực thụ của Bolshevik. Ông thậm chí còn cầm súng để bảo vệ Văn phòng Ngoại giao của chính quyền cách mạng trước sự đe dọa của lực lượng phản cách mạng. Chính vì sự dấn thân vào chủ nghĩa cộng sản mà John Reed đã bị phía Mỹ theo dõi chặt chẽ. 

Đầu tháng 2-1918, John Reed rời nước Nga trở về Mỹ. Ông và những người cùng chí hướng thành lập đảng Công nhân cộng sản, tiền thân của đảng Cộng sản Mỹ, và hoạt động tích cực trong Quốc tế cộng sản. Ông bị chính quyền Mỹ theo dõi và nhiều lần bị đưa ra xét xử tại tòa án New York.

Để hiểu hơn về nước Nga, John Reed cùng vợ trở lại Moscow vào mùa đông năm 1919. Sau cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới”, ông định viết thêm 2 cuốn sách nữa về đất nước kỳ diệu này. Ông hòa vào cuộc sống chiến đấu và dựng xây cùng nhân dân Xô viết. Biết rằng gông xiềng tù đày đang chờ đợi ở Mỹ nhưng mùa thu năm 1920, John Reed vẫn quyết định trở về quê hương. 

Nghĩa trang chân tường Điện Kremlin - nơi an nghỉ của nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú trong đó có John Reed


Tuy nhiên, cơn bạo bệnh đã ngăn cản ông. Ban đầu, ông phát triệu chứng cúm rồi sau đó sốt nặng. John Reed dần dần bị liệt toàn thân và chìm vào hôn mê sâu trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19-10-1920. Tang lễ của ông được cử hành trọng thể và ông là người Mỹ duy nhất cho đến nay được an táng tại nghĩa trang dưới chân tường Điện Kremlin cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
John Reed và “Mười ngày rung chuyển thế giới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.