Theo dõi Báo Hànộimới trên

Markus Wolf - Nhà tình báo huyền thoại

Thu Hằng| 09/11/2018 11:12

(HNMO) - Hơn 30 năm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan tình báo Bộ An ninh Cộng hòa Dân chủ Đức, Markus Wolf đã thể hiện nghệ thuật tình báo một cách tuyệt vời.

(HNMO) - Markus Wolf (1923-2006) là một trong những nhà tổ chức tài năng nhất của các cơ quan tình báo. Ông được mệnh danh là “người vô hình”, “điệp viên bậc thầy”, “con người huyền thoại”… Các cơ quan tình báo phương Tây không chỉ lo ngại Wolf mà còn tỏ ra khâm phục ông.

“Con sói trong bóng tối”

Markus Wolf, cựu Giám đốc Tình báo Cộng hòa Dân chủ Đức, người từng bị các cơ quan tình báo phương Tây xem là một đối thủ đáng gờm trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.


Markus Wolf đã xây dựng và lãnh đạo Cục Tình báo đối ngoại (HVA) trong cơ cấu của Bộ An ninh quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức (STASI) suốt 34 năm. Đây là cơ quan tình báo non trẻ nhưng đã thể hiện là một bộ máy có chuyên môn cao, có năng lực chiến đấu và hoạt động hiệu quả nhất thời chiến tranh Lạnh.

Trong một thời gian dài (27 năm), phương Tây không thể biết mặt Wolf. Cũng nhờ biệt tài giấu mặt rất kỹ mà trong nhiều năm liền, ông chu du khắp thế giới, đích thân gặp gỡ những trưởng lưới điệp viên của mình ở nước ngoài. Mãi sau này ông mới bị lộ diện (vì có sự phản bội) khi tuần báo Der Spiegel ngày 5-3-1979 đăng tấm ảnh chụp ông ở Stockholm. Sự kiện này làm chấn động giới tình báo phương Tây khi đó.

Những cuốn sách viết về Markus Wolf.


Tinh tế và lịch lãm, ông trùm tình báo Đông Đức mang dáng dấp thanh nhã của người trí thức. Là người uyên bác, am hiểu văn học nghệ thuật, Markus Wolf nói chuyện về Goethe, về Brecht, hay Tlostoy, Maiakovski… rất hấp dẫn. Thêm vào đó, giọng nói của Wolf rất truyền cảm. Người ta đồn rằng, ông chính là khuôn mẫu của siêu điệp viên Karla trong tiểu thuyết “Điệp viên tới từ xứ lạnh” của nhà văn Anh John Le Carré.

Chiến tranh Lạnh ngày càng gay gắt, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức càng cần có một cơ quan tình báo mạnh mẽ, hiện đại và táo bạo. Với tài tổ chức và điều hành, các điệp viên của Markus Wolf đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong bộ máy chính quyền đối phương, cung cấp nhiều thông tin quý giá, khám phá nhiều kế hoạch chiến tranh của Mỹ và NATO chống Liên Xô và khối Warsaw, qua đó đã góp phần củng cố an ninh của khối xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình trên thế giới. Chính vì thế, Markus Wolf coi những điệp viên của mình là những “tình báo viên vì hòa bình”.

Một trong những ngón nghề của Markus Wolf là tung những điệp viên nam trẻ và đẹp trai, thường được gọi là các Romeo, tới quyến rũ các nữ thư ký nữ độc thân ở Bonn để tiếp cận những tài liệu mật. Năm 1978, tình báo Đức ghi nhận 53 phụ nữ rơi vào bẫy tình của các Romeo và sau đó NATO phải giám sát tất cả các nữ thư ký để đảm bảo rằng họ không kết hôn với điệp viên Đức.

Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) Vladimir A.Kryuchkov nhận xét về người đồng nhiệm: “Hơn 30 năm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan tình báo Bộ An ninh CHDC Đức, Wolf đã thể hiện nghệ thuật tình báo một cách tuyệt vời, chứng minh năng lực của một nhà tổ chức, một chính trị gia, một tình báo viên. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều chuyên án tuyệt vời đã thành công”.

Tạo dựng sự nghiệp

Markus Wolf bên bức tường Berlin.


Markus Wolf sinh ra tại Hehingen, miền tây nam nước Đức trong một gia đình gốc Do Thái có cha mẹ đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Cha ông, bác sĩ Friedrich Wolf đồng thời cũng là nhà văn, nhà viết kịch ưu tú và là một nhà cách mạng chống phát xít. Anh trai của ông, Konrad Wolf, là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, trong nhiều năm là Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức.

Sau khi Hitler lên nắm quyền, năm 1934, gia đình ông phải chạy khỏi nước Đức, sang tỵ nạn chính trị tại Liên Xô.

Suốt thời niên thiếu gắn bó với nước Nga Xô viết, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Markus Wolf vào học Đại học Hàng không Moscow. Mùa hè năm 1942, ông được cử tham dự khóa huấn luyện hoạt động bí mật do Quốc tế Cộng sản tổ chức. Tháng 5-1943, trường đóng cửa do Quốc tế Cộng sản giải thể, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đức triệu tập ông về Moscow làm phóng viên của Đài phát thanh chống phát xít.

Wolf đã cùng với các bạn Liên Xô trải qua bao khó khăn, gian khổ và mất mát. Khi nước Đức đầu hàng, tháng 5-1945, ông trở về quê hương làm việc ở Đài phát thanh Berlin. Markus Wolf đã tham gia đưa tin tại phiên tòa Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh Đức quốc xã.

Sau khi nước CHDC Đức ra đời (tháng 10-1949), ở tuổi 26, ông được cử sang Liên Xô với tư cách là tham tán thứ nhất của tân sứ quán CHDC Đức. Để nhận nhiệm vụ này, ông phải từ bỏ quốc tịch Liên Xô và chính thức trở thành công dân Đức. Mùa hè năm 1951, ông được triệu hồi về nước làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học kinh tế - bình phong dân sự bí mật cho cơ quan tình báo đối ngoại Đông Đức đang phôi thai.

Bắt đầu sự nghiệp tại HVA từ cương vị Phó Trưởng phòng Thông tin, sau đó được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phản gián, tháng 12-1952, ở tuổi 29, Markus Wolf bất ngờ được Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức Valter Ulbricht bổ nhiệm làm Tổng Cục trưởng HVA khi người tiền nhiệm Anton Ackermann từ chức.

Markus Wolf năm 1989.


Trong chiến tranh Lạnh, cả NATO và khối Warsaw đều coi trọng địa bàn Cộng hòa liên bang Đức. Đặc biệt, với tiềm lực kinh tế mạnh và sự hậu thuẫn quân sự của khối NATO, Tây Đức càng là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với Đông Đức.

Không có gì ngạc nhiên khi địa bàn này chiếm 80% số chiến dịch tình báo của HVA. Các mục tiêu xâm nhập của tình báo Đông Đức, ngoài các cơ quan chính phủ và phái bộ ngoại giao của Tây Đức còn có NATO, sứ quán Mỹ và các cơ quan tình báo Mỹ tại Tây Đức, cùng như đoàn ngoại giao tại Bonn.

Ngay từ đầu, HVA chủ yếu phải hoạt động bất hợp pháp. Vì CHDC Đức không được phương Tây thừa nhận nên không có sứ quán ở nước ngoài làm bình phong cho các tình báo viên hợp pháp hoạt động. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Wolf, HVA đã trở thành một trong những cơ quan tình báo hiệu quả nhất, tổ chức và điều hành một mạng lưới hơn 4.000 điệp viên…

Chủ tịch KGB Vladimir A.Kryuchkov cũng đánh giá cao Wolf. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Ở Liên Xô, Markus Wolf được mến mộ vì những đóng góp lớn lao trong việc củng cố nhà nước Liên Xô, trong việc phát triển kinh tế và tăng cường khả năng phòng thủ. Hàng loạt các ngành công nghiệp, khoa học của chúng ta phát triển được là nhờ những nỗ lực của các bạn tình báo Đức. Rất nhiều tài liệu về các ngành khoa học cơ bản, công nghệ tiên tiến, mẫu mã kỹ thuật được các bạn Đức trao cho chúng ta trong khuôn khổ hợp tác không có sự tính toán nào. Qua hàng chục năm hợp tác, nếu tính bằng tiền có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Chúng ta còn nhận được những thông tin tình báo chính trị. Những thông tin này đã góp phần đề ra các biện pháp đối ngoại, kể cả những biện pháp mang tính phòng ngừa. Không biết bao nhiêu cán bộ tình báo của chúng ta phải ngồi trong các nhà giam phương Tây và được các bạn Đức cứu giúp, mà cụ thể là nhờ cơ quan của Wolf. Họ tìm kiếm các luật sư, những người tiếp cận với các cơ quan đặc biệt phương Tây, tiến hành trao đổi… Đôi khi, để đổi lấy một cán bộ tình báo Liên Xô, họ phải trao cho đối phương 10 đến 12 người mà đối phương cần. Họ đã giúp đỡ chúng ta một cách vô giá…”.

Markus Wolf có tầm nhìn xa trông rộng. Lượng thông tin khổng lồ mà hằng ngày ông phải xử lý cho phép ông không chỉ nắm được các sự kiện quốc tế diễn ra, mà còn từ một góc độ khác, quan sát quá trình diễn ra ở đất nước mình. Và ông đã nhìn thấy nhiều điều bất hợp lý. Song vị thế của tình báo không đủ sức gây ảnh hưởng có tính quyết định đối với các chính sách lớn. Từ năm 1983, Wolf đã muốn từ nhiệm nhưng mãi 3 năm sau, ông mới chính thức được nghỉ hưu.

Ông sống với vợ trong một căn hộ trên tầng 6 không thang máy nhìn xuống con sông Spree. Wolf vẫn giữ quan hệ với Liên Xô, thậm chí ông còn thường xuyên sang Liên Xô tìm hiểu tình hình nhờ vốn tiếng Nga thành thạo và có nhiều bạn bè. Ẩn mình nhiều năm trong suốt quãng đời làm tình báo, Markus Wolf bước vào cuộc sống nghỉ hưu với đôi chút ồn ào hơn. Ông cho ra mắt cuốn “Die Troika” (Bộ tam) chỉ vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Cuốn sách gây một tiếng vang lớn.

Markus Wolf và ngườ vợ thứ ba, bà Andrea.


“Vào mùa hè năm 1990, hai nước Đức chuẩn bị thống nhất sau bốn mươi năm chia cắt… Công trình đời tôi, cống hiến cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đang sụp đổ trước mắt tôi. Đất nước của tôi, nước Đông Đức đã thất bại, đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cưỡng ép với anh khổng lồ kinh tế Tây Đức” - Wolf viết.

Bi kịch của đất nước kéo theo cả bi kịch của những cá nhân. Markus Wolf bỗng trở thành “biểu tượng” để người ta đấu tranh, để nhân dân trả thù. Trước không khí điên cuồng đó, ông và người vợ thứ ba Andrea trốn sang Liên Xô, như ông nói là “lần sơ tán cuối cùng”.

Khi bạn của ông, nhà lãnh đạo KGB Vladimir A.Kryuchkov tham gia cuộc đảo chính nhằm hạ bệ Gorbachev tháng 8-1991 bất thành, Wolf biết rằng Moscow không còn muốn chấp chứa ông nữa. Ông quyết định đầu thú ở biên giới Áo trên đường trở về Đức.

Năm 1993, Markus Wolf bị kết tội hoạt động phá hoại chống lại CHLB Đức và bị kết án 6 năm tù. Thật trớ trêu, Wolf phải chịu hình phạt vì sự nghiệp chân chính của cả cuộc đời ông là phục vụ tổ quốc thiêng liêng. Trước tòa, Wolf tỏ ra kiên cường và dũng cảm, không chịu khuất phục trước sự khiêu khích và khi tòa tuyên án, ông đã dõng dạc tuyên bố tin tưởng một ngày nào đó lịch sử sẽ thanh minh cho ông.

Hai năm sau, tòa phúc thẩm bác bỏ bản án này và chỉ ra rằng, CHDC Đức từng là một quốc gia có chủ quyền nên không thể xét xử những người phục vụ quốc gia đó. Sau đó, ông bị kết án nhẹ hơn (2 năm tù treo) vì tội ra lệnh thực hiện các vụ bắt cóc phi pháp.

Cho đến khi qua đời, Markus Wolf vẫn liên tục viết sách. Ngoài cuốn “Những người bạn không chết”, “Vì nhiệm vụ riêng”, ông còn hợp tác với biên tập viên Peter Osnos viết cuốn hồi ký “Trò chơi trên sân khách”. Theo Osnos, viết nên câu chuyện thật, đầy đủ và đầy bí ẩn của Markus Wolf thực sự là một thử thách nghề nghiệp và ông bình luận: “Với nhiều người, chiến tranh Lạnh là một cuộc chơi và Markus Wolf đã chơi cực giỏi”.

Không đánh mất lý tưởng

Nhìn lại sự nghiệp của mình, Wolf chua chát: “Mục đích của chúng tôi là bảo vệ CHDC Đức và phe xã hội chủ nghĩa. Nếu người ta lấy mục tiêu đó làm tiêu chuẩn tổng kết thì rõ ràng kết quả là âm. Nhưng ai cũng biết rằng, sự sụp đổ của chế độ ít liên quan đến hoạt động của chúng tôi, cho nên phải đánh giá khác… Tôi cho rằng, chúng tôi không có ảnh hưởng chính trị to lớn như người ta thường nghĩ. Chúng tôi không thiếu gì những nguồn tin tốt nhưng người lãnh đạo sử dụng (hoặc không sử dụng) những tin tức đó nhiều khi làm triệt tiêu công tác của chúng tôi, đến mức phải đặt câu hỏi: Mất nhiều công sức như thế để nhằm mục đích gì?”.

Ông viết trong hồi ký: “Chúng tôi được dạy dỗ trong niềm tin tưởng tuyệt đối rằng Liên bang Xô-viết là hải đăng của tiến bộ và tinh thần nhân bản… Dấu ấn của Đảng ăn sâu vào tâm khảm tôi nên khi Đảng đòi hỏi nơi chúng tôi một việc gì, chúng tôi ngoan ngoãn tuân thủ. Đảng nói “Nhảy”, chúng tôi trả lời: “Cao đến đâu?”.

Bởi vậy, ông đã rất thất vọng khi người anh cả Liên Xô đã quay lưng lại với những đồng minh cũ của mình vào giờ phút họ bị truy bức khốc liệt nhất. Wolf viết: “Tình anh em muôn thuở vẫn thường được tán tụng năm này sang năm khác nay trở thành một mớ giẻ rách. Trước đây, các đường điện thoại ưu tiên vẫn suốt ngày reo giữa Moscow và Đông Berlin, nay chẳng còn trao đổi gì nữa. Thư từ không ai đáp lại. Im lặng phủ kín”.

Markus Wolf trong một phim tài liệu nhìn lại 10 năm kể từ thời điểm Bức tường Berlin được mở.


Markus Wolf thậm chí viết cả thư cho Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev: “Chúng tôi là bạn của quý vị. Chúng tôi đeo trên ngực rất nhiều huy chương của quý quốc. Chúng tôi đã đóng góp rất lớn cho an ninh của quý vị. Bây giờ, tôi thiết nghĩ, quý vị sẽ không từ chối giúp đỡ chúng tôi”.

Ông yêu cầu nhà lãnh đạo Xô-viết thỏa thuận xin ân xá cho tất cả điệp viên Đông Đức và lồng điều kiện này vào thỏa hiệp thống nhất nước Đức nhưng Gorbachev đã hoàn toàn bỏ rơi họ.

“Tôi để cho kẻ khác phản bội tôi” - Markus Wolf nói vậy bởi ông đã khước từ những khoản tiền kếch xù cũng như bất chấp những hăm dọa, dụ dỗ mà CIA của Mỹ, BFV của Đức hay MOSSAD của Israel đưa ra để phản bội đồng đội. Nhân cách của ông đáng được kính trọng.

Sự ra đi của Markus Wolf trùng hợp với kỷ niệm ngày bức tường Berlin bị sụp đổ (9-11).


Cuộc đời Markus Wolf là cuộc đời của một con người đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp, cho nhà nước CHDC Đức. Ra đi một cách bình yên tại nhà riêng trong lúc ngủ, Markus Wolf đã mang theo nhiều bí mật xuống mồ. Sinh thời ông luôn khẳng định: “Tôi tin tưởng ở lý tưởng chủ nghĩa xã hội và không sống một cách vô ích”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Markus Wolf - Nhà tình báo huyền thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.