Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin: “Đường lớn” đã mở?

Việt Nga| 16/08/2014 07:44

(HNM) - Tập đoàn FPT vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nhằm xây dựng mô hình bán vé mới có công nghệ hiện đại, giúp khách hàng thuận tiện khi giao dịch và tạo sự minh bạch trong bán hàng. Đây cũng là mô hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) được Chính phủ khuyến khích thực hiện.


Cụ thể, FPT sẽ xây dựng hệ thống bán vé điện tử hiện đại, trong đó cung cấp nhiều phương thức mua vé cho người dân như: Qua website, đặt vé qua tin nhắn, qua đại lý, thay thế hoàn toàn hệ thống bán vé hiện nay của ĐSVN. Như vậy, người dân có thể mua vé 24 giờ/7 ngày qua kết nối internet và các hình thức khác, cập nhật thông tin về quá trình phân phối vé, lịch trình… Được biết, FPT đầu tư tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng để triển khai dự án trong vòng 7 năm, chia làm 3 giai đoạn, với những mốc chính đó là: ĐSVN bắt đầu bán vé điện tử qua website để phục vụ người dân mua vé tàu dịp Tết Nguyên đán 2015 và triển khai hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh từ ngày 21-11-2015.

Có thể thấy, việc hợp tác giữa FPT và ĐSVN chính là hình thức hợp tác thuê lại dịch vụ. Theo đó, FPT đầu tư vận hành hệ thống CNTT phục vụ bán vé, ĐSVN trả bằng tỷ lệ ăn chia lợi nhuận là 1% doanh thu. Về sự hợp tác này, các chuyên gia trong ngành đánh giá, đây là bước thay đổi nhận thức quan trọng về đầu tư cho CNTT. Vì việc đi thuê ngoài CNTT trước hết giúp ĐSVN thúc đẩy tiến độ của dự án nhanh hơn, thay cho việc phải thực hiện một quá trình (gồm phân tích hệ thống, chọn loại hình công nghệ phù hợp…), thì chỉ cần đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật, hiệu năng, chất lượng, thời gian đáp ứng. Theo yêu cầu, FPT sẽ phải tính toán để tối ưu hóa chi phí tốt nhất, nhưng vẫn phải bảo đảm việc đáp ứng các tiêu chí mà ĐSVN đưa ra nhằm đạt hiệu quả cho cả hai. Còn FPT khi đầu tư cũng phải tính toán khả năng cung cấp và cân đối hệ thống đủ năng lực đáp ứng các giao dịch vào những mùa cao điểm. Chẳng hạn, FPT có thể bổ sung máy móc để nâng cao năng lực của ĐSVN khi bán vé vào dịp lễ, tết, hoặc sẽ "rút" bớt ở những ngày thường, ít giao dịch. Đây chính là ưu điểm của DN cung cấp dịch vụ cho thuê so với đơn vị đi thuê lại, nếu họ đầu tư một lần với chi phí lớn, nhưng chỉ phục vụ vào một số ít ngày trong năm. Ở góc độ nào đó có thể hiểu việc đi thuê ngoài dịch vụ CNTT không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mà còn tránh lãng phí nguồn lực cho DN, cơ quan, tổ chức.

Một vấn đề khác, về việc thuê ngoài dịch vụ CNTT, sau khi Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế, chính sách về cho thuê để trình Chính phủ, có không ít ý kiến đặt ra việc thay vì đầu tư cho CNTT như trước đây một khoản tiền, vậy kinh phí cho thuê dịch vụ sẽ thế nào? Cụ thể, với các cơ quan nhà nước, mới chỉ có kinh phí cho hoạt động thường xuyên, chứ chưa có kinh phí cho thuê dịch vụ CNTT; trong khi thực chất việc đi thuê ngoài dịch vụ CNTT chính là đơn vị phải trả số tiền theo hình thức trả chậm (theo từng năm) thay cho đầu tư như trước đây. Do vậy, để duy trì cho hoạt động CNTT, hằng năm ngân sách nhà nước vẫn phải dành kinh phí nhất định để đầu tư.

Riêng với ĐSVN, vấn đề này được giải quyết bởi đây là DN kinh doanh và ĐSVN chia sẻ cùng FPT % doanh thu để triển khai dự án. Vậy còn những cơ quan nhà nước dùng ngân sách sẽ giải "bài toán" như kể trên về kinh phí thuê dịch vụ CNTT như thế nào? Về vấn đề này, các chuyên gia CNTT cho rằng, cơ quan chức năng cần thực hiện phân bổ ngân sách cho CNTT - có thể "nằm" trong phần ngân sách thường xuyên, hoặc ngân sách đầu tư ban đầu cho CNTT. Song phải duy trì mức quy định để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng dự án (ở nước ngoài tối thiểu là 22%, tổng kinh phí hằng năm). Đồng thời, khẳng định chính DN mới là lực lượng quan trọng trong triển khai dịch vụ thuê ngoài CNTT vì nó sẽ gắn liền với hiệu quả kinh doanh của DN, nên ngân sách đầu tư cho thuê ngoài dịch vụ CNTT sẽ được trích từ ngân sách kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin: “Đường lớn” đã mở?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.