Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải loại bỏ sự độc quyền

Việt Nga| 31/07/2015 06:41

(HNM) - Tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành thông tin và truyền thông (TT-TT), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Hoàng Sơn đã kiến nghị Bộ TT-TT xem xét sửa đổi lại một số quy định cho phù hợp với Luật Viễn thông để không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp (DN) lớn - nhỏ trên thị trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TT-TT đã bác bỏ kiến nghị này. Điều đó cho thấy quan điểm rất rõ của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) là bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Sơn, Điều 54 của Luật Viễn thông quy định "tôn trọng quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước của các DN viễn thông". Theo đó, các nhà mạng được bình đẳng, không phân biệt trong quản lý, quy định giá cước. Ông Sơn cho biết, Viettel đầu tư ở nước ngoài đều phải cạnh tranh công bằng với các mạng lớn, lâu đời ở những thị trường này, không nhận được ưu ái về chính sách của nước sở tại.

Vì vậy, từ kinh nghiệm này, Viettel mong muốn Bộ sửa đổi thông tư quy định DN thống lĩnh thị trường để thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn giữa các DN. Trước đó, trong hai cuộc họp giao ban QLNN tổ chức tháng 4 và tháng 6-2015, Viettel cũng đã có các đề nghị liên quan đến các chính sách quản lý tương tự như vậy và bị từ chối.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng là mục tiêu các nhà mạng hướng tới.


Kiến nghị của lãnh đạo Viettel được hiểu là nhắc đến việc ngày 15-6-2015, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 15 quy định Viettel là nhà mạng giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc Viettel sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về giá cước, khuyến mãi; còn hai nhà mạng MobiFone, Vinaphone được tự quyết định giá cước, khuyến mãi.

Thông tư này ra đời là tin vui cho hai nhà mạng MobiFone, Vinaphone và hàng chục triệu thuê bao của hai nhà mạng, nhưng cũng làm cho Viettel lo ngại. Vì sao Viettel lo ngại khi đã chiếm tới 55% thị phần, vượt xa MobiFone và Vinaphone khi mỗi DN chỉ giữ 18% thị phần? Câu hỏi này có lẽ chỉ Viettel mới rõ. Song, có thể thấy, cả hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone đều có thương hiệu mạnh, có kinh nghiệm về kinh doanh di động, lại có hạ tầng mạnh.

Hiện, cả hai đang phải giải quyết các vấn đề nội tại là sắp xếp, ổn định lại bộ máy sau tái cấu trúc. Khi họ hoạt động với bộ máy mới, cộng với việc được tự quyết định khuyến mãi, giá cước có thể sẽ gây khó khăn không nhỏ cho Viettel. Tuy nhiên, dường như Viettel lại quên mất một điều khi mới gia nhập thị trường, nhà mạng này đã nhận được các chính sách ưu tiên với DN nhỏ, DN mới, như không chịu sự quản lý về giá cước. Đây chính là điều kiện quan trọng để Viettel vươn lên vị trí số 1 như hiện nay.

Trả lời về đề xuất của Viettel, Cục trưởng Cục Viễn thông Phan Tâm cho biết, quy định về DN thống lĩnh thị trường đã được nêu rất rõ trong luật nên việc "đưa" DN nào vào, "rút" DN nào khỏi danh sách không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Bộ, hay của DN. Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, QLNN thực hiện theo nguyên tắc DN lớn sẽ phải quản lý chặt chẽ hơn nhằm tránh độc quyền. Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì phân tích, vai trò của cơ quan QLNN là phải duy trì áp lực cạnh tranh, tránh tình trạng có DN quá mạnh sẽ áp đảo đối thủ, có thể đẩy thị trường về trạng thái độc quyền và nhấn mạnh các quy định về QLNN bên cạnh việc tuân thủ theo Luật Viễn thông còn phải theo quy định của Luật Cạnh tranh nhằm bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, so với các nhà mạng còn lại, Viettel có một ưu thế lớn là được áp dụng cơ chế lương đặc thù nên đã thu hút người tài về làm việc và đó là lợi thế quan trọng. Trong khi MobiFone và Vinaphone chưa được áp dụng cơ chế trả lương đặc thù này, nên đó cũng là bất lợi trong cạnh tranh với Viettel và đó cũng là điểm chưa bình đẳng giữa các DN. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kiến nghị Chính phủ tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các DN...

Như vậy, Bộ TT-TT đã gửi thông điệp rất rõ ràng. Đó là việc áp dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước, hoặc sửa đổi các quy định (nếu chưa phù hợp)… chỉ để bảo đảm mục tiêu duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường, tránh để tình trạng độc quyền trở lại nhằm bảo đảm thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải loại bỏ sự độc quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.