Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Chính phủ điện tử: Tăng tốc nhưng phải thực chất

Châu Anh| 05/04/2017 15:08

(HNMO) - Ngày 5-4, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” đã khai mạc tại Hà Nội.

Sự kiện này do Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nêu rõ, Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) bằng những giải pháp thiết thực với đời sống dân sinh...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội thảo.


Hà Nội sẵn sàng cho CPĐT và thành phố thông minh

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, CPĐT không đơn thuần là trang bị máy tính, mạng internet, hay ứng dụng CNTT, mà phải là sự chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý xã hội, là chất lượng phục vụ người dân ngày càng nâng cao. Vì vậy, Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của CPĐT Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng diện rộng (WAN), Cổng Giao tiếp điện tử TP. Cùng với đó, hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin; hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị từng bước hoàn thiện đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị.

Đến nay, TP đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và trong năm 2016, triển khai 129 dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: tư pháp, tài nguyên - môi trường, xây dựng, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận, huyện, 584 xã, phường. Số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn) đạt trên 70%.

TP cũng đang thí điểm hệ thống giao thông thông minh với các hạng mục cụ thể: cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi Thành phố Hà Nội - Giai đoạn 2; bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS, tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh.

Đồng thời, TP đã trang bị hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn thành phố; triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính của TP...

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh, những giải pháp thiết thực với đời sống dân sinh là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền TP. Hà Nội luôn mong muốn lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, người dân đóng góp cho quá trình kiến tạo phát triển của Thủ đô.

Xây dựng CPĐT: Tăng tốc nhưng phải thực chất

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học thuộc Bộ TT-TT cho biết, đến cuối tháng 3-2017, có 18/22 bộ và cơ quan ngang bộ đã cung cấp 557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 295 dịch vụ công mức độ 4; 63/63 tỉnh, thành phố triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 10.152 dịch vụ công mức độ 3 và 1.101 dịch vụ mức độ 4; 70% bộ, cơ quan ngang bộ và 84% cơ quan cấp tỉnh đã dùng dịch vụ chữ ký số.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả thiết thực để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như về thuế, có hơn 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 95% nộp thuế điện tử; 100% cơ quan hải quan triển khai hải quan điện tử, thực hiện chương trình một cửa quốc gia, kết nối ASEAN; cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến…


Nhiều ý kiến chuyên gia cũng chỉ ra, với 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng internet - mức cao ở Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là CNTT. Vì vậy, cần tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Song, không thể làm theo kiểu "phong trào", mà phải làm thực chất.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, những năm qua, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ xem xét, xây dựng hoàn thiện thể chế thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống. “Tuy nhiên, để xã hội thực sự vững vàng trong bối cảnh đầy biến động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, còn nhiều việc phải làm, trong đó phải cải cách mạnh mẽ để mọi hoạt động thực sự khoa học, tối ưu, giúp nâng cao năng suất lao động” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, đến nay, hội thảo quốc gia về CPĐT đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam nhằm thảo luận xây dựng các giải pháp để phát triển CPĐT một cách hiệu quả và toàn diện.

Theo Báo cáo được Liên Hợp quốc công bố tháng 7-2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển CPĐT, tăng 10 bậc so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển CPĐT cao. Cũng trong báo cáo này, chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Chính phủ điện tử: Tăng tốc nhưng phải thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.