Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trạm thu phát sóng thân thiện môi trường

Việt Nga| 28/04/2017 07:10

(HNM) - Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã đưa ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trạm thu phát sóng có thiết kế hòa nhập với thiên nhiên, cảnh quan, có thể dùng chung và tích hợp nhiều loại hình dịch vụ công cộng khác.

Kỹ sư của VMS MobiFone lắp đặt trạm phát sóng viễn thông.


Dựng trạm thu phát sóng kết hợp với điểm thông tin đa năng

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8.000 trạm thu phát sóng (BTS) 2G, 3G, 4G (trong đó có 1.300 BTS dùng chung hạ tầng) phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu liên lạc của người dân. Các BTS được phân loại gồm: Cột ăng ten lắp đặt trên các công trình xây dựng hiện có (loại A2a), chiếm 60,59%, với độ cao trung bình 10-20m; cột ăng ten lắp trên mặt đất (loại A2b), chiếm 33,65%, chủ yếu ở khu vực ngoại thành, có độ cao 40-45m; còn lại là cột ăng ten gắn với công trình xây dựng (loại A1). Bên cạnh hệ thống BTS là các loại cột điện, cột chiếu sáng, cột biển báo giao thông... cùng tồn tại ở một điểm, dẫn đến sự chồng chéo, ảnh hưởng đến không gian chung. Thực trạng này đặt ra vấn đề các công trình phải có sự kết nối đồng bộ để phù hợp với đô thị văn minh.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước khu vực ASEAN, đã quy định xây dựng công trình viễn thông, thông tin liên lạc phải thiết kế hòa nhập với thiên nhiên và cảnh quan môi trường xung quanh. Hình mẫu điển hình được lựa chọn là cột monopole ngụy trang thành hình dạng các loại cây xanh, được làm bằng thép kết hợp với nhựa, sợi polyeste...; các bộ phận thu phát sóng, thiết bị nằm dưới thân cột và các tán lá.

Tuy nhiên, với điều kiện tại Việt Nam khí hậu khắc nghiệt, thì việc duy trì các "cây xanh" này không đơn giản. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cột ăng ten cần được sử dụng kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ công phục vụ dân cư đô thị như gắn biển tra cứu thông tin, bảng thông tin điện tử (hoặc tranh cổ động), đèn chiếu sáng đô thị, camera giao thông, wifi... Vị trí đặt tại các vườn hoa, công viên, đầu mối giao thông, vừa tạo sự thuận lợi cho người dân và du khách vừa cải tạo không gian đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

MobiFone tiên phong đầu tư

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Quản lý bưu chính viễn thông, Sở TT-TT, trong năm qua, thành phố đưa ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng hạ tầng gắn với bảo đảm cảnh quan môi trường. Trong số các nhà mạng, MobiFone là DN đầu tiên xây dựng đề án thí điểm trạm BTS thân thiện với môi trường, kết hợp điểm thông tin đa năng tại Hà Nội; đã được tập thể lãnh đạo UBND thành phố thông qua và quyết định cho thí điểm ở 10 vị trí.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, các trạm BTS thân thiện với môi trường không chỉ đáp ứng tiêu chí sử dụng "5 trong 1", mà còn có thể dùng chung giữa các nhà mạng (tối thiểu 3 nhà mạng/cột). Đặc biệt, các trạm BTS có mức độ phủ sóng rộng, đáp ứng được yêu cầu về vùng phủ trong khu vực nội thành để phục vụ liên lạc của người dân.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án hạ tầng 1, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cột BTS bằng thép cao 28m (tương đương với chiều cao của tòa nhà 7 - 8 tầng), được thiết kế gồm các hạng mục: Phần lắp đặt ăng ten theo tiêu chuẩn mới nhỏ, gọn, cách điệu hình lá sen; phần hệ thống đèn LED chiếu sáng; trạm phát wifi; bảng thông tin tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; bảng thông tin du lịch.

MobiFone đã thống nhất với Sở TT-TT, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội lựa chọn 10 điểm để lắp đặt trạm BTS thân thiện với môi trường, tại: Ngã ba đường Thanh Niên - Trúc Bạch, ngã tư phố Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám, bùng binh phố Tôn Thất Thuyết - Trần Thái Tông, vỉa hè ngã tư Big C, ngã tư Mễ Trì - Phạm Hùng, ngã tư đường Nguyễn Hoàng Tôn - Võ Chí Công, tại cổng Khu đô thị Ciputra, ngã tư đường Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, Vườn hoa Yec Xanh, vỉa hè ngã ba Liên Trì - Nguyễn Du. Hiện, MobiFone đã hoàn thành việc lắp đặt cột BTS tại Vườn hoa Yec Xanh và vỉa hè ngã ba Liên Trì - Nguyễn Du; đang hoàn thiện 8 vị trí còn lại, dự kiến xong đầu tháng 5-2017.

MobiFone sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà mạng khác dùng chung hạ tầng viễn thông tại các điểm BTS. Trong đó, toàn bộ hệ thống chiếu sáng, camera giám sát, bảng thông tin, du lịch thuộc sở hữu của thành phố (MobiFone không sử dụng vào mục đích quảng cáo) để tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội, thông tin của Thủ đô. Sau khi thí điểm lắp đặt 10 trạm BTS giai đoạn 1 của đề án, Sở TT-TT cùng MobiFone sẽ đánh giá, báo cáo UBND thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2, lắp đặt khoảng 300 BTS thân thiện với môi trường trên toàn địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trạm thu phát sóng thân thiện môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.