Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp xử lý tro, xỉ trong nhiệt điện than

Phương Nhi| 11/11/2017 07:35

(HNM) - Nhiệt điện than được đánh giá có giá điện thấp chỉ sau thủy điện, bởi vốn đầu tư không quá cao và thời gian xây dựng nhanh. Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than cũng tạo ra những thách thức trong bảo vệ môi trường...


Tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, năm 2015, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh. Trong khi nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4%, tới năm 2020 sẽ tăng lên 49,3% và năm 2030 là 53,2% (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).


Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điểm đáng chú ý từ đầu năm đến nay là vốn FDI vào nhiệt điện than tăng mạnh, chỉ sau công nghiệp chế biến, trong đó 2 dự án lớn đã được cấp phép.

Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than đã và đang gây áp lực trong bảo vệ môi trường. Theo ông Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu các nhà máy nhiệt điện theo quy hoạch ra đời và nếu lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ có 61 triệu tấn tro, xỉ, năm 2020 là 109 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn thải ra môi trường. Sẽ mất diện tích đất khổng lồ làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không đủ bãi chứa là một thực tế.

Mặc dù việc sử dụng tro, xỉ than làm vật liệu xây dựng đã được nhiều lần đề xuất, song số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, lượng nguyên liệu này được sử dụng còn hạn chế, vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với lượng thải ra hằng năm. PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, xét về thành phần hóa học, tro, xỉ từ đốt than gồm chủ yếu các ô xit kim loại như silic, nhôm, titan..., các kim loại nặng như thủy ngân, chì... hầu như không có. Vì vậy, cần phân tích để khẳng định, nếu trong tro, xỉ không có nguyên tố kim loại nặng độc hại thì cần coi đó là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 12-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 452/QĐ-TTg, phê duyệt "Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng", với mục tiêu đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao bảo đảm đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất…

Tuy nhiên hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc sử dụng tro, xỉ còn hạn chế là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng còn thiếu. Để khắc phục điều này, Bộ Xây dựng đang biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu trong các công trình xây dựng.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đối với dự án xây mới sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-Sox, De-NOx, ESP khử bụi), đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện đầy đủ quy định vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường… nhằm đáp ứng quy định về phát thải của Việt Nam cũng như quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp xử lý tro, xỉ trong nhiệt điện than

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.