Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công nhờ gắn với thực tiễn

Bài, ảnh: Mai Hà| 21/08/2018 06:53

(HNM) - Nhờ chủ động đổi mới, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thương mại hóa hiệu quả, nhiều nhà khoa học, tổ chức khoa học - công nghệ đã vươn lên tự thiết kế, cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.


Tập trung lĩnh vực mũi nhọn


Là một trong các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện tích cực chủ trương chuyển đổi theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Viện Nghiên cứu cơ khí - Narime thuộc Bộ Công Thương đã có những bước thay đổi lớn trong cơ cấu và hoạt động. Nhằm bảo đảm cho sự phát triển, cũng như ổn định cuộc sống cho cán bộ trong Viện, lãnh đạo Viện đã chủ động tìm hướng phát triển mới, đó là gắn nghiên cứu với thực tế và thương mại hóa hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn như thủy điện, nhiệt điện và công nghiệp xi măng.

Thiết bị lọc bụi tĩnh điện tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.


PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí chia sẻ: "Trước đây, chúng ta thường phải nhập hoàn toàn một số thiết bị chế tạo cơ khí thủy công của Trung Quốc, Nga, Ukraine, như cửa vai hệ thống, cửa ống cầu trục với giá nhập 1,6-1,7 USD/kg. Vậy nhưng hiện nay chúng ta đã mua thiết kế và làm chủ được thiết kế. Hiện Viện đã chế tạo và chủ động cung cấp thiết bị này cho hàng chục dự án thủy điện tại Lai Châu, Sơn La, với giá khoảng 1 USD/kg, giúp đưa nhiều dự án về trước tiến độ một vài năm, làm lợi cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng...".

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu cơ khí cũng đang thực hiện phần thiết yếu của hệ thống cung cấp than. Đây là một trong những nhiệm vụ chính của đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ chạy thay với công suất 600MW” do Tiến sĩ Phan Đăng Phong làm chủ nhiệm. Đề tài đã được triển khai với các nội dung thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành một số hạng mục thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho biết, đến thời điểm này, 7/12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thành phần đã được triển khai và bước đầu đạt kết quả. Sau dự án, suất đầu tư các hệ thống thiết bị tương tự cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600MW dự kiến giảm 20%, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP do tỷ lệ nội địa hóa thiết bị dây chuyền đồng bộ nhà máy nhiệt điện được tăng lên. Trong khi đó, trước đây, Việt Nam phải mời những nhà thầu quốc tế với chi phí hàng trăm triệu USD vì trong nước chưa có đơn vị nào thực hiện được những nhiệm vụ đó.

Một trong những đề tài khác của Viện cũng được thương mại hóa sản phẩm thành công là “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000Nm3/h”. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được áp dụng vào các dự án như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhiệt điện Thái Bình 1, mức độ nội địa hóa đạt khoảng 70%.

Cần cải cách thủ tục hành chính

Để có được những thành công nói trên, các nhà khoa học và các tổ chức khoa học và công nghệ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho biết, cách tiếp cận thực hiện dự án khoa học và công nghệ hiện nay là ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trực tiếp vào dự án thực tế. Tuy nhiên, với cách tiếp cận này, sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, thông thường, đơn vị tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm thực hiện hạng mục đăng ký ở dự án tương tự đã hoàn thành trước đó. Đây chính là rào cản đối với dự án khoa học và công nghệ áp dụng kết quả lần đầu tiên. Để giải quyết vấn đề này, nhà thầu chỉ còn cách liên danh, liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Thêm vào đó, phạm vi công việc sẽ bị chia sẻ, những nội dung của dự án khoa học và công nghệ có khả năng thực hiện được bằng năng lực trong nước nhưng vẫn không được quyền cung cấp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tiến sĩ Phan Đăng Phong kiến nghị, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án khoa học và công nghệ. Thời gian để phê duyệt một dự án khoa học và công nghệ cần được quy định cụ thể không quá 3 tháng nhằm giảm thiểu ít nhất sự lệch pha trong quá trình triển khai dự án khoa học và công nghệ và dự án sản xuất. Trong trường hợp dự án khoa học và công nghệ đã đủ các điều kiện để giải ngân mà kinh phí chưa được cấp, để tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng sản xuất, doanh nghiệp nên được cho phép thanh toán trước bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp, rồi ngân sách nhà nước sẽ cấp bù sau. Người đứng đầu dự án cũng mong muốn được khoán gọn kinh phí lương chuyên gia nước ngoài vì phần hỗ trợ của Nhà nước thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí này.

Liên quan đến lĩnh vực trên, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng đề xuất, để có sự phát triển bền vững, tránh làm theo phong trào, Nhà nước cần có sự điều tiết, hỗ trợ để bảo vệ thị trường và định hướng hoạt động trong những lĩnh vực nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành công nhờ gắn với thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.