Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Kết nối nhân tài để bắt nhịp xu thế

Mai Hà| 16/10/2018 06:35

(HNM) - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cần kết nối các nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo trên khắp thế giới để có thể bắt nhịp với xu thế này.


Cải thiện chất lượng cuộc sống

Theo báo cáo mới của Công ty Kiểm toán và tư vấn tài chính PwC, GDP toàn cầu nhờ vào trí tuệ nhân tạo có khả năng tăng trưởng 14% vào năm 2029. Khi đó, trí tuệ nhân tạo sẽ bắt kịp trí tuệ con người và con người sẽ phải nhường lại hàng triệu việc làm cho trí tuệ nhân tạo. Chủ tịch Microsoft châu Á Ralph Haupter cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ định nghĩa lại 50% công việc trên thế giới trong tương lai. Nó mang lại cho doanh nghiệp triển vọng tăng năng suất và đổi mới vượt bậc, đồng thời cũng là chìa khóa giải quyết bệnh tật, nạn đói, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Quang cảnh Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI Việt Nam 2018). Ảnh: Nguyệt Minh


Một trong những điều được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều nhất là chăm sóc sức khỏe. Với cách tiếp cận mới dựa trên dữ liệu về lịch sử, hồ sơ bệnh án, yếu tố môi trường, nghiên cứu lâm sàng... cùng các thuật toán và các công cụ chính xác tới hàng phân tử, các bác sĩ giờ đây có thể tìm hiểu được diễn biến của các loại bệnh tật, qua đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân.

Một ứng dụng quan trọng khác của trí tuệ nhân tạo trong ngành Y tế là các trợ lý robot. Robot có thể giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hằng ngày, hoặc đưa ra thông báo khi bệnh nhân không thể rời khỏi giường. Một trong những nơi đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ điều trị ung thư là Bệnh viện Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ đã sử dụng IBM Watson for Oncology - hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ điều trị 13 loại bệnh phổ biến, trong đó có ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng… Khi sử dụng hệ thống, bệnh nhân giống như được hội chẩn với đội ngũ bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện lớn của Mỹ mà không cần phải ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica cho biết, với phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các tiến bộ mới về công nghệ, Topica đã giúp người dùng cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh bằng việc phân tích giọng nói để phát hiện ra những chỗ sai, từ đó có phương pháp điều chỉnh hiệu quả. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả cho người học tiếng Anh, nhiều giải pháp, tính năng mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng được Topica liên tục cập nhật.

Trong một sự kiện kết nối các nhà khoa học trẻ người Việt trên thế giới do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Tiến sĩ Trần Minh Sơn, chuyên gia truyền thông đa phương tiện tại Hungari cho biết, để tăng cường chất lượng đào tạo trực tuyến, hiện có một ứng dụng đang được sử dụng để nhận biết cảm xúc, sự tập trung của học viên khi tham gia khóa học trực tuyến. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết được độ tập trung của học viên, nhờ thế, có thể thay đổi chương trình học một cách hợp lý nhất.

Kết nối trí thức về trí tuệ nhân tạo

Những trở ngại trong phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đã được các chuyên gia nhận diện. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, nghiên cứu viên tại Trung tâm trí tuệ nhân tạo SRI International (Mỹ) nhận định: Vấn đề đào tạo nhân tài cho lĩnh vực này ở Việt Nam chưa được chú trọng một cách thích đáng. Việt Nam chưa có những nhóm hạt nhân thực sự tiếp cận môi trường nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở mức độ đỉnh cao trên thế giới. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hà Văn, Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ) cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, ngay cả điều kiện quan trọng nhất để phát triển trí tuệ nhân tạo là cơ sở dữ liệu cũng chưa được kết nối và bảo mật một cách bài bản, tức là cái móng của ngôi nhà muốn xây vẫn chưa có.

Chia sẻ quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, thời gian tới Bộ sẽ có những giải pháp cụ thể liên quan tới việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Trước mắt, Bộ trực tiếp kết nối với cộng đồng trí thức về trí tuệ nhân tạo ở trong và ngoài nước để triển khai ngay những diễn đàn, hoạt động xây dựng định hướng phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Chính phủ giao trách nhiệm thường trực Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Đây cũng là cơ sở để tổng hợp, tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Kế hoạch tổng thể nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025 nhằm nghiên cứu làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam. Kế hoạch này đặt mục tiêu phát triển và thương mại hóa sản phẩm trí tuệ nhân tạo chất lượng cao, tạo động lực phát triển kinh tế và từng bước cạnh tranh với khu vực và thế giới, xây dựng và phát triển hệ dữ liệu số dùng chung trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, ngân hàng, giao thông, vận tải, quốc phòng an ninh, du lịch, thương mại điện tử… Để thực hiện nhiệm vụ này, một số công việc cụ thể sẽ được triển khai, gồm nghiên cứu cơ bản nhằm giải quyết các bài toán lớn về quản lý, kiểm soát sản xuất…; phát triển ứng dụng và đầu tư chọn lọc một số sản phẩm trí tuệ nhân tạo để tạo thành sản phẩm mũi nhọn tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời tạo cơ chế, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Kết nối nhân tài để bắt nhịp xu thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.