Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế thiệt hại do lũ, sạt lở đất: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Kim văn| 22/10/2018 07:02

(HNM) - Biến đổi khí hậu và bất cập trong dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó khiến các tỉnh miền núi ngày càng bị thiệt hại nặng bởi lũ và sạt lở đất. Vì vậy, tìm giải pháp để hạn chế thiệt hại, ổn định cuộc sống nhân dân khu vực này đang trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Công nghệ đóng vai trò tối quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, lũ, sạt lở.


Vùng núi phía Bắc nước ta gồm 15 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích tự nhiên của cả nước. Khu vực này có địa hình chủ yếu là dãy núi cao, thung lũng sâu, độ dốc lớn, nền địa chất yếu… Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên các tỉnh vùng núi thường xuyên bị thiệt hại vì lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra 12 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 1.000 tỷ đồng…

Để giảm thiệt hại do lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, việc dự báo, cảnh báo sớm được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai… tại hội thảo “Giải pháp khoa học công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất” do Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, chất lượng dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất hiện nay ở các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế.

Đơn cử, bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay có phạm vi quá rộng, chưa chi tiết các điểm xã, thôn, bản; chưa cảnh báo được theo thời gian thực. Mặt khác, hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn dựa trên dữ liệu mưa, mực nước sông, suối, không phù hợp với loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ bùn đá ở vùng sinh lũ.

Bên cạnh đó, các mô hình dự báo mưa hiện nay của Việt Nam chưa cho phép dự báo chi tiết, cụ thể và có độ chính xác cao ở từng khu vực nhỏ, đặc biệt là các vùng dễ bị chia cắt. Thêm vào đó, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng mưa bất thường, cực đoan gia tăng, các đợt mưa lớn cục bộ ngày càng xuất hiện tại nhiều nơi nhưng chưa có khả năng dự báo, cảnh báo trước...

Liên quan vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái cho biết, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất là thách thức lớn đối với ngành Khí tượng thủy văn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và trái quy luật; trong khi khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác về lượng mưa, yếu tố gây ra lũ và sạt lở đất…

Để các tỉnh miền núi giảm thiệt hại do lũ, sạt lở đất, ông Trần Hồng Thái cho biết Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ các giải pháp: Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng dày và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc.

Dự kiến đến năm 2025, trên toàn quốc sẽ có khoảng 4.000 trạm đo mưa tự động được lắp đặt. Cùng với đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ cập nhật các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/10.000 để phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Bên cạnh các giải pháp trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động với số liệu vệ tinh, ra đa thời tiết; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; ứng dụng, tiếp cận các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn hiện đại thông qua hợp tác với các quốc gia có nền khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn phát triển…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế thiệt hại do lũ, sạt lở đất: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.