Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần thêm "lực đẩy"

Quỳnh Phạm| 13/11/2018 06:44

(HNM) - Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, góp phần phát triển bền vững Thủ đô.

Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố đến năm 2020, lĩnh vực này được xác định là một trong những nội dung trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế, kinh tế tri thức, đồng thời ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại để hoàn thiện hệ thống quản lý quy hoạch đô thị...

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng


Trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ Hà Nội đã có những bước phát triển quan trọng. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh, Hà Nội đang đứng thứ hai cả nước về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ với 46/350 doanh nghiệp của cả nước. UBND thành phố đã ban hành nhiều biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với việc hoàn thiện khung cơ chế chính sách cơ bản, các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng có sự phát triển đa dạng, cụ thể như Chợ thiết bị và công nghệ (Techmart), Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Ngày hội khởi nghiệp và công nghệ (Techfest)... Hệ thống tổ chức trung gian bước đầu hình thành, đang phát triển nhanh và đa dạng cả về hình thức và nội dung hoạt động. Mạng lưới các tổ chức trung gian tư vấn, đánh giá, môi giới chuyển giao công nghệ được tăng cường. Hà Nội đã đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng.

Gian hàng của Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội tại Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018.


Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Anh cho rằng, trước những yêu cầu mới của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Về cơ bản, môi trường pháp lý đã đầy đủ nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Sự kết nối giữa những yếu tố của thị trường còn hạn chế. Các chuỗi hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp chưa đủ mạnh để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

"Các cơ quan nghiên cứu cũng chưa có “lực đẩy” để gắn kết hơn các công trình nghiên cứu với hoạt động của doanh nghiệp và quảng bá kết quả nghiên cứu. Hiện vẫn chưa có chính sách thúc đẩy các cơ quan nghiên cứu phát triển ứng dụng kết quả nghiên cứu, công bố rộng rãi và biến kết quả thành các sản phẩm có giá trị thương mại"- Ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cần chính sách phù hợp

Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 2-3-2018 của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế tư nhân đề ra mục tiêu “Phấn đấu hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; năng suất lao động tăng 4-5%/năm; đến năm 2020, thành phố có 400.000 doanh nghiệp”.

Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, TP Hà Nội đang tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp lớn nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ, gồm: Kích cung - cầu; phát triển các định chế trung gian; hoàn thiện môi trường pháp lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin khoa học và công nghệ, kết nối cung - cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô được triển khai với 3 nhóm chủ thể chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quản lý và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, y tế, sinh học, giao thông, đô thị,... trong đó ưu tiên phát triển các công nghệ xanh, sạch, hỗ trợ nông thôn và làng nghề.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững thì việc có những chính sách phù hợp là yêu cầu tiên quyết. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng (Cục Thuế TP Hà Nội), cần cân nhắc bổ sung hình thức ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư phát triển khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cụ thể như: Giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư, cho phép tính chi phí cao hơn qua hình thức khấu hao nhanh, trích trước chi phí… phù hợp với nhu cầu vốn, đặc điểm kinh doanh “có nhiều yếu tố rủi ro, mạo hiểm” của đầu tư phát triển khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, có thể cân nhắc vận dụng các quy định, cơ chế đặc thù quy định tại Luật Thủ đô cũng như các quy định pháp luật khác để có chính sách ưu đãi liên quan tới nghĩa vụ tài chính về đất, hỗ trợ trực tiếp theo các hình thức phù hợp đối với các dự án đầu tư phát triển khoa học và công nghệ...

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tiếp cận được các hình thức ưu đãi. Trong thời gian đầu hoạt động, các doanh nghiệp có thể chưa có doanh thu. Vì vậy, có thể áp dụng hình thức ưu đãi như cho phép miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu hoạt động và áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian dài hơn so với thời hạn 15 năm hiện đang áp dụng với các doanh nghiệp được ưu đãi khác. Bám sát mục tiêu đề ra của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thành trước năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần thêm "lực đẩy"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.