Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông sản an toàn, đặc sản các tỉnh phía Bắc "đổ bộ” Thủ đô

Sơn Tùng| 09/09/2016 19:23

(HNMO) - Trong khuôn khổ Tuần lễ nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản của Bắc Bộ, ngày 9-9 tại khu triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ NN& PTNT đã tổ chức hội thảo “chia sẻ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn”.



Theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Điện Biên cho hay: với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Điện Biên có rất nhiều loại đặc sản chất lượng cao như cà phê, chè, gạo…với chất lượng vượt trội, các sản phẩm này được đông đảo người tiêu dùng thủ đô đón nhận. Tuy nhiên do khâu xúc tiến thương mại kém, việc đầu tư quản lý thương hiệu chưa tốt khiến đặc sản gạo tám Điện Biên đang bị làm nhái khá nhiều trên thị trường. Bà Gấm hy vọng, với việc dán tem nhãn truy suất nguồn gốc điện tử do ngành nông nghiệp Hà Nội áp dụng tại Tuần lễ nông sản đặc sản an toàn Bắc Bộ lần này sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng loại đặc sản của Điện Biên.



Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội Hà Nội cho hay: khó khăn lớn nhất của việc sản xuất kinh doanh nông sản an toàn chính là Thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác đều chưa có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để từ đó thúc đẩy DN đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; Thiếu cơ chế chính sách cho việc tổ chức liên kết chuỗi nhất là chính sách cho công tác giới thiệu sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn, cửa hàng tiện ích để người tiêu dùng được tiếp cận. Chính phủ, Bộ NN& PTNT chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra liên kết giữa DN của Hà Nội và các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.

Còn ông Nguyễn Tiến Hưng- Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho hay: Chính sách về đất đai là một rào cản lớn, DN luôn trong tình trạng khó khăn về đất sản xuất, kho bãi, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn trong khi giá thuê đất thực hiện sản xuất kinh doanh nông sản rất cao, DN đầu tư nông nghiệp khó đáp ứng lợi nhuận để đáp ứng các loại chi phí này. Bên cạnh đó công tác kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp mặc dù đã được quan tâm song cũng còn không ít các hạn chế dẫn tới có sản phẩm kém chất lượng tiêu thụ tại thị trường khiến DN làm ăn chân chính bị lép vế, người tiêu dùng mất niềm tin. Trong khi đó, giá cả nông sản an toàn khó cạnh tranh với các sản phẩm tự do, trôi nổi trên thị trường, bản thân DN rất ngại trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn xuất xứ sản phẩm do đội chi phí cao nếu như không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng….

Chia sẻ với những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: cơ quan quản lý nhà nước ở khâu nào phải có trách nhiệm quản chặt khâu mình được phân công phụ trách, đối với thú y phải kiểm soát tốt khâu chăn nuôi và giết mổ, ngành bảo vệ thực vật phải kiểm soát tốt việc sản xuất trên đồng ruộng…và với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành quản lý thị trường sẽ xiết chặt ở khâu lưu thông, phối kết hợp với các lực lượng khác vây bắt các đối tượng vận chuyển hàng hóa nông sản ôi thiu, kém chất lượng. Với các “mũi tấn” công trực diện, xiết chặt từ sản xuất đến khâu lưu thông tôi tin thị trường nông sản sẽ ngày một lành mạnh hơn, ông Lộc cho hay.

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện nay, Hà Nội và các tỉnh đều đã đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, chè an toàn, hoa chất lượng, các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, các trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, ViệtGap… Tuy nhiên, tại Hà Nội lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%, và việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn luôn gặp nhiều khó khăn do hàng hóa kém phong phú, niềm tin người tiêu dùng chưa cao…Do vậy Hà Nội coi việc kết nối đặc sản các vùng miền là một giải pháp giúp cho thị trường này vốn ảm đảm trở lên sôi động hơn. Và thực tế, qua các phiên đưa nông sản đặc sản các tỉnh thành trong cả nước về Hà Nội đã đạt được nhiều tín hiệu khả quan, khi mà các nông sản này được giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng gắt gao trước khi đưa ra thị trường.

Còn bà Trần Thị Thúy, quận Cầu Giấy có mặt tại hội chợ nông sản bắc bộ lần này cho biết: rất hài lòng với chất lượng các loại nông sản đặc sản của các tỉnh và Hà Nội bày bán tại khu triển lãm, giao dịch kinh tế thương mại Hoàng Quốc Việt, và đây thực sự là một dịp trải nghiệm mua sắm thú vị nhân dịp tết Trung thu, nhất là sự góp mặt của nhiều DN uy tín kinh doanh trong lĩnh vực nông sản an toàn nhiều năm qua như Big Green, thực phẩm hữu cơ Đông Xuân- Sóc Sơn…. Điều bà Thúy hài lòng chính là được các cơ quan chức năng tư vấn nhiệt tình về cách phân biệt, nhận diện nông sản an toàn. Toàn bộ nông sản an toàn tham gia đều được dán tem nhãn điện tự để truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông sản an toàn, đặc sản các tỉnh phía Bắc "đổ bộ” Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.