Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo cháy nổ do chập điện

Tiến Thành| 26/10/2016 07:02

(HNM) - 2/3 các vụ cháy tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến hệ thống, thiết bị điện đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Nguy hiểm thường trực

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 1.830 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, trong đó có 296 vụ cháy khiến hàng chục người thương vong, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân chiếm đến 65% (190/296) số vụ xuất phát từ sự cố hệ thống, thiết bị điện gia dụng lẫn mạng lưới dẫn điện ngoài trời.

Sự cố hệ thống điện gây ra phần lớn các vụ cháy nổ tại TP Hồ Chí Minh.


Gần đây nhất, vụ cháy xảy ra ngày 4-10 tại đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) khiến cả 3 người trong một gia đình thiệt mạng cũng được xác định nguyên nhân ban đầu là do sự cố về điện. Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng Cảnh sát PC&CC nhận định nguyên nhân ban đầu có thể là do sự cố chập điện ở biển quảng cáo phía trước nhà gây ra. Theo Trung tá Hà, khi xảy ra sự cố chập điện, trong khi lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính lại có tới 3 lớp nên các nạn nhân không thể thoát ra và lực lượng chức năng phá xong cửa thì đã quá muộn.

Phân tích những nguyên nhân gây cháy do hệ thống điện, Tổng công ty Điện lực (EVN) TP Hồ Chí Minh nhận định, hầu hết các hộ gia đình sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn. Tuy nhiên, việc bảo quản thiết bị, đường dây thì lại khá chủ quan, thiếu hiểu biết về kỹ thuật an toàn PCCC. Do sự đa dạng về kết cấu công trình tại các khu dân cư, cùng với mạng điện nội bộ được lắp đặt quá lâu, trải qua tu bổ nhiều lần nên nguy cơ sự cố chạm chập gây cháy luôn thường trực.

Bên cạnh đó, nhiều thiết bị điện trên thị trường hiện nay không được kiểm soát tốt về chất lượng khiến người mua không biết đằng nào mà lựa chọn. Sử dụng các thiết bị kém chất lượng đương nhiên sẽ dẫn tới quá tải, chạm điện gây cháy nổ.

Trước nguy cơ cháy nổ rình rập, nhiều người dân đã tìm đến loại cầu dao tự động (aptomat) ngắt khi dòng điện có sự cố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN TP Hồ Chí Minh cho rằng, đó không phải là giải pháp cơ bản, bởi khi aptomat ngắt dòng điện, mạch điện vẫn có thể phát sinh hồ quang do chập chạm mạch, từ đó gây cháy nếu tiếp xúc với vật liệu dễ cháy.

Giải pháp từ hạ tầng điện lưới

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm trước, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Cảnh sát PC&CC phối hợp với các sở, ngành làm sao kéo giảm 10%/năm số vụ cháy do điện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Các vụ cháy do sự cố điện thường xảy ra tại các hộ dân, nơi sử dụng, quản lý nguồn điện một cách tự do. Tình trạng này gây khó cho việc giám sát thi công hệ thống điện gia dụng đúng quy định...

Đại tá Bửu cho rằng cần kiểm soát chặt hơn vấn đề này trong thời gian tới và Cảnh sát PC&CC thành phố sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra nhắc nhở người dân. “Người dân khi hiểu được tác hại của cháy nổ do bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn điện sẽ có ý thức hơn trong lựa chọn và lắp đặt hệ thống điện để tự bảo vệ bản thân và gia đình”, Đại tá Bửu chia sẻ.

Về lâu dài, cần có sự thay đổi về hạ tầng điện lưới đô thị mới có thể giải quyết dứt điểm nguy cơ cháy nổ. Ông Luân Quốc Hùng, Trưởng ban kỹ thuật EVN TP Hồ Chí Minh cho hay, EVN đang triển khai hệ thống lưới điện thông minh (được hiểu là hệ thống điện có sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông hai chiều) vào áp dụng tại thành phố thay cho hạ tầng điện lưới hiện nay.

Hệ thống này ngoài việc nâng cao hiệu quả trong cung cấp điện và cho phép sử dụng điện một cách tiết kiệm thì còn có độ tin cậy cao về an toàn PCCC. Lưới điện thông minh bao gồm các cảm biến cho phép chống lại các tác động vật lý (tự ngắt khi xảy ra cháy nổ) và tự phục hồi khi có sự cố, thông qua hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tự động, bán tự động.

Cũng theo ông Luân Quốc Hùng, EVN TP Hồ Chí Minh đang thí điểm hệ thống lưới điện thông minh tại khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7) và Khu công nghệ cao (quận 9). Dự kiến, đến năm 2020 hệ thống lưới điện thông minh sẽ phục vụ 2 triệu khách hàng trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo cháy nổ do chập điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.