Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn “đầu bài” để xây dựng thành phố thông minh

Việt Nga| 09/11/2016 06:46

(HNM) - Việc chọn “đầu bài” khi triển khai thành phố thông minh đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà hoạch định và cung cấp giải pháp…


Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng về cơ sở vật chất để xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Nam Khánh


Kinh nghiệm của thế giới

Theo ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, khi xây dựng TPTM hầu hết các đô thị trên thế giới tập trung vào 4 phân khúc: Giao thông thông minh; hạ tầng thông minh; lưới điện thông minh; tòa nhà thông minh. Trong số này, Singapore được coi là điển hình thành công khi xây dựng giao thông thông minh với việc ứng dụng giải pháp công nghệ để phân tích, cảnh báo thông tin để người dân lựa chọn hình thức, thời điểm tham gia giao thông. Cụ thể, là xây dựng trạm thu phí tự động thực hiện thu phí cao hơn tại những tuyến phố hay bị tắc đường, từ đó giúp người dân muốn tiết kiệm tiền thì phải tránh những khung giờ cao điểm này, hoặc phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Hay điển hình là TP New York (Mỹ) đã đi đầu trong việc “biến” 7.500 bốt điện thoại công cộng thành điểm cung cấp wifi miễn phí, đồng thời có tính năng gọi các số điện thoại khẩn cấp như: Cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát; đặc biệt còn là nơi có thể giúp người dân, du khách sạc điện thoại... Cũng theo vị lãnh đạo của Qualcomm, điểm đáng chú ý trong triển khai các giải pháp thông minh này là chính quyền các thành phố đã nêu đều chọn các hình thức xã hội hóa trong đầu tư và khai thác dịch vụ.

“Khi xây dựng TPTM cho New York, quan điểm của Qualcomm là tận dụng lại hạ tầng đã có và đưa công nghệ mới chứ không đập đi xây lại. Do vậy, tại 7.500 bốt điện thoại cũ, chúng tôi đã biến thành điểm truy cập thông tin và không lấy tiền ngân sách thành phố. Trong đó, Qualcomm có đầu tư nhất định, song còn có các đối tác khác cùng hợp tác, chịu trách nhiệm vận hành và doanh thu đem lại chính là nhờ nguồn quảng cáo" - ông Thiều Phương Nam cho biết.

Lựa chọn mô hình phù hợp thực tế

Gần đây, một loạt địa phương như TP Đà Nẵng, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP Bình Dương, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã ký kết với các Tập đoàn VNPT và Viettel về xây dựng mô hình TPTM. Việc các thành phố lớn tại Việt Nam triển khai mô hình TPTM cũng là xu hướng tất yếu, vì bên cạnh nhiệm vụ mà các tỉnh, thành phố đang làm là xây dựng chính phủ điện tử, thì việc xây dựng TPTM là nhằm tối ưu giải pháp công nghệ để quản lý nguồn lực và hạ tầng. Mục đích cuối cùng là để phục vụ cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn.

Trao đổi với Báo Hànộimới, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, từ lúc xây dựng đề án, cùng với địa phương, đối tác nước ngoài, VNPT đã phải tính toán để đưa ra giải pháp giúp chính quyền các địa phương quản lý có hiệu quả các nguồn lực tốt nhất. Những giải pháp này ngoài dựa trên chuẩn mực chung của TPTM còn phải tính đến các đặc điểm tự nhiên về kinh tế - xã hội, địa lý…

Chẳng hạn, với hai địa phương phát triển mạnh về du lịch như huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và TP Đà Lạt thì giải pháp được đặt lên hàng đầu là phải phục vụ phát triển du lịch. Thêm nữa, phải tính đến các điều kiện địa lý đặc thù, như Phú Quốc phải tính đến biện pháp, dịch vụ để cảnh báo cho người dân về thời tiết, khí hậu, mực nước biển, sóng thần… Với TP Hồ Chí Minh, đây là địa phương có quy mô đô thị lớn thì bài toán lại đặt ra nhiều vấn đề. Ngoài những giải pháp cần phải thực hiện, thì những vấn đề được đặt lên hàng đầu như ứng dụng công nghệ để cảnh báo tình trạng ngập lụt khi trời mưa to, triều cường; tình trạng kẹt xe; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề an ninh, an toàn nơi công cộng...

Được biết, sau khi ký hợp tác với UBND TP Hồ Chí Minh trong tháng 9 vừa qua, VNPT đã cử các nhóm công tác cùng với chuyên gia của Microsoft, của thành phố cùng xây dựng đề án TPTM. Trong đó, ngoài việc tư vấn và đưa ra giải pháp, VNPT sẽ phải xây dựng, tính toán các phương án thực hiện, cũng như đề xuất phương án triển khai phù hợp. Cách làm việc này rất kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian, song điều này cho thấy TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng và với tốc độ làm việc hiện nay sẽ sớm xây dựng thành công mô hình TPTM. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn “đầu bài” để xây dựng thành phố thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.