Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn tôm vàng

Phúc Bản| 18/01/2017 06:41

(HNM) - Những năm gần đây, Thượng Mỗ (Đan Phượng) được biết đến là xã điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đất lúa sang cây ăn quả có múi.


Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ Đỗ Văn Mạnh thăm vườn bưởi tôm vàng của nhà ông Nguyễn Văn Chung.


Anh Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ, kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ bưởi tôm vàng cho biết: Năm 1997, khi xã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa, trồng màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Thôn An Sơn 2 có 260 hộ thì có tới 70 hộ chuyển sang trồng bưởi Diễn với diện tích hơn 7ha. Điều đặc biệt là cây bưởi gốc Phú Diễn nhưng hợp với đồng đất ở đây và được người dân chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển nhanh, chất lượng quả năm sau cao hơn năm trước. Hiện vườn bưởi của các hộ ông Đào Văn Quý, Phan Văn Hào, Phan Văn Ba, Phan Văn Thọ - trồng từ những năm 1997-1998, được khách hàng về đặt mua buôn cả vườn, chờ đến tết sẽ về mang đi tiêu thụ.

Tay thoăn thoắt tháo bao giấy bảo quản để bưởi đón những tia nắng, ông Nguyễn Văn Chung, ở đội 2, chia sẻ: Trồng bưởi quan trọng nhất là kỹ thuật chăm sóc. Khi thu hoạch xong phải cắt tỉa cành sâu, cành vượt, quét vôi gốc diệt côn trùng gây hại cho cây rồi bón thúc một đợt phân để cây hồi phục, phát triển khỏe mạnh. Khi cây bưởi ra hoa, tiến hành phun phân bón lá, kích thích quả đậu sai, đến giữa tháng 4 quả bằng cái chén phải bọc giấy bảo quản để hạn chế sâu bệnh và chống rám nắng, ruồi châm... Vườn bưởi của ông Chung trồng từ năm 1998, những năm đầu bưởi cho thu bói nên chất lượng chưa cao. Tuy nhiên, khi cây bưởi ở năm thứ 7 trở đi, chất lượng quả thơm ngon, số lượng quả nhiều. Theo ông Chung, bưởi Diễn tôm vàng hợp với đồng đất nơi đây nên cho chất lượng quả tốt, tròn, múi đều, tép vàng, ăn ngọt và thơm. Bên cạnh vườn bưởi của ông Chung, gia đình anh Phan Văn Thọ cũng đã nhạy bén chuyển đổi được 3 sào đất nông nghiệp sang trồng bưởi Diễn. Sau gần 20 năm gắn bó với cây bưởi, đến nay, gia đình anh đã có mức thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi hai con học đại học và xây dựng nhà cửa khang trang.

Hiện nay, sản phẩm bưởi Thượng Mỗ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Đan Phượng” đã mở ra một hướng làm giàu cho người dân trong xã. Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ Nguyễn Tuấn Anh, từ khi cây bưởi Phú Diễn bén duyên với đồng đất Thượng Mỗ, đời sống kinh tế của người dân đã khấm khá hơn nhiều. Đến nay, toàn xã Thượng Mỗ có gần 1.000 hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích hơn 100ha; trong đó có khoảng 78ha bưởi Diễn tôm vàng, 20ha đu đủ và hơn 34 hoa và rau màu... Tuy nhiên, do bưởi Diễn tôm vàng cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân trong xã đang chuyển hướng sang trồng bưởi. Đặc biệt, từ khi được gắn nhãn hiệu tập thể, giống bưởi tôm vàng trở thành cây trồng chủ lực, mở ra hướng làm giàu cho người dân xã Thượng Mỗ. Theo tính toán của UBND xã Thượng Mỗ, năm 2016, các hộ dân trồng bưởi có mức thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/hộ, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương Thượng Mỗ, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 2,71%...

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn vườn bưởi của các hộ dân có diện tích nhỏ, lẻ; hộ nhiều khoảng 8 sào, hộ ít 1-2 sào, nằm phân tán nên rất khó mở rộng sản xuất và phát triển ổn định. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian tới, Thượng Mỗ sẽ duy trì diện tích khoảng 80ha trồng bưởi, nhưng tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm bưởi tôm vàng; từng bước đưa sản phẩm bưởi tôm vàng vào các siêu thị, khách sạn và hướng tới xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn tôm vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.