Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trái cây xuất khẩu: Chờ đột phá đầu tư công nghệ

Đỗ Minh| 30/06/2017 06:59

(HNM) - Trái cây hiện là một trong 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, sản xuất trái cây trong nước cần có những đột phá trong ứng dụng công nghệ...


Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng rau, quả đạt 1,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm gần 84% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Mặc dù xuất khẩu tăng, song so với tiềm lực về nguồn trái cây trong nước thì chưa tương xứng, sản lượng xuất khẩu còn thấp so với Thái Lan, Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây VINA T&T cho rằng, thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam rất rộng, nếu biết khai thác và nâng cao công nghệ sản xuất thì sản lượng sẽ còn tăng. Mỗi năm EU nhập gần 80 triệu tấn trái cây tươi và trên 60 triệu tấn rau tươi, trong đó nhập từ các nước đang phát triển chiếm khoảng 40%. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất sang EU một số loại trái cây như xoài, dứa, măng cụt, thanh long, sầu riêng, nhãn, chuối… với mức vài chục tấn mỗi năm.

Hiện nay, chúng ta có khả năng cung cấp khối lượng lớn trái cây cho xuất khẩu, nhưng tại các vùng sản xuất trái cây lớn, ít có công ty đến thu mua. Đa số các nhà vườn phải tự tìm kiếm thị trường thông qua trung gian. Một vài công ty xuất khẩu trái cây chưa đủ khả năng giải quyết những đơn hàng lớn.

Nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam kém cạnh tranh, ít thị trường là xuất phát chủ yếu từ việc thiếu ứng dụng khoa học vào sản xuất, chế biến, nguồn giống dần thoái hóa... PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng: Chất lượng trái cây chỉ tốt khi có bộ giống tốt. Ngoài việc tăng sản lượng cho trái cây thì các nhà vườn cần chủ động nguồn giống.

Để giải quyết vấn đề nguồn giống có chất lượng cao, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch 12 loại trái cây tiềm năng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, việc quy hoạch này nhằm xác định vùng sản xuất tập trung để ứng dụng công nghệ trong sản xuất cũng như lai tạo, cải thiện nguồn giống. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là yêu cầu bức thiết.

Tổng Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) Phan Nhật Tú, chia sẻ: Để xuất khẩu trái cây, cần thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt; trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP. Mặt khác, cần quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, bảo đảm xuất xứ địa lý nhà vườn theo quy định...

Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Rau quả thực phẩm An Giang cho rằng, ứng dụng trong bảo quản có ý nghĩa rất lớn đối với ngành xuất khẩu trái cây. Đơn cử như trái bưởi hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang mong muốn có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ. Khi đó, doanh nghiệp mới đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm. Điều quan trọng, các bộ, ngành tiếp tục là cầu nối cho doanh nghiệp xâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trái cây xuất khẩu: Chờ đột phá đầu tư công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.