Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Tạ Văn Tự| 20/09/2017 07:22

(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, các chương trình tín dụng giải ngân qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố là giải pháp quan trọng, hiệu quả để thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội...

Hộ nông dân xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) được vay vốn phát triển chăn nuôi. Ảnh: Thái Hiền


Chất lượng tín dụng được cải thiện


Sau 15 năm hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đã thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Tính đến ngày 31-8-2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 6.174 tỷ đồng, tăng 5.840 tỷ đồng, gấp 18 lần so với thời điểm ngân hàng mới thành lập, bình quân mỗi năm tăng 23%. Trong đó, nguồn vốn trung ương là 3.773 tỷ đồng, tăng 3.439 tỷ đồng, gấp 11 lần so với thời điểm mới thành lập, chiếm tỷ trọng 61% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 1.712 tỷ đồng, tăng 1.712 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, chiếm 28% tổng nguồn vốn.

Những số liệu nêu trên cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách của thành phố tăng trưởng đều qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 23%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hằng năm, trên cơ sở tham mưu của liên ngành, UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm bố trí chuyển vốn từ ngân sách sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", Chỉ thị số 30/CT-TU, ngày 27-4-2015 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch 130/KH-UBND ngày 24-6-2015 của UBND thành phố về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", sau hơn 2 năm triển khai, thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chuyển bổ sung 614 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để hỗ trợ vốn cho những đối tượng chính sách. Ngoài ra, thành phố cũng đã có Quyết định số 6335/QĐ-UBND ngày 11-9-2017 bổ sung 250 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong 15 năm qua đã có trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, có trên 630 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho gần 220 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 460 nghìn lao động, giúp cho trên 140 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo gần 430 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng, cải tạo trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Đáng nói, cho đến nay người dân sử dụng đồng vốn vay từ ngân hàng hợp lý nên chất lượng tín dụng được cải thiện. Để làm được việc này, ngân hàng thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tổ chức kiểm tra giám sát nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời sai sót, củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch xã, đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, quá hạn, nợ rủi ro… Hiện nợ quá hạn toàn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đến ngày 31-8-2017 là 4,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ, giảm 8,2 tỷ đồng so với khi thành lập.

Xem xét nâng mức cho vay

Bên cạnh những mặt đạt được, trong hoạt động, nguồn vốn cho vay mặc dù đã được trung ương và thành phố quan tâm bổ sung hằng năm nhưng nhu cầu vay của hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn khá lớn. Nhất là nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, mức cho vay tối đa được nâng lên từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng đối với một hộ gia đình và từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đối với một cơ sở sản xuất kinh doanh, vậy nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng vay vốn.

Trong giai đoạn 2011-2020, mục tiêu của thành phố là phát triển Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách; phấn đấu tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 8 đến 10%. Để đạt mục tiêu này, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay.

Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách, các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí chuyển vốn ngân sách sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, các bộ, ngành cũng nên xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.