Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng “chợ online”

Quốc Bảo| 05/10/2017 06:23

(HNM) - Hàng hóa được giao tận tay, nhanh chóng… - Đó là những ưu điểm nổi bật của loại hình “chợ online” đang rất thịnh hành tại các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội. Xu hướng “chợ online” không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán nhanh gọn của

Thói quen mới

Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, tại các khu chung cư, khu đô thị hiện nay đều hình thành “chợ online” trên mạng xã hội. Các khu chợ được lập ra bởi cư dân các chung cư, khu đô thị với mục đích chủ yếu là trao đổi, mua bán các mặt hàng sạch, đặc sản vùng miền do chính họ cung cấp. Chỉ cần tham gia mạng xã hội, sinh sống tại khu chung cư là có thể dễ dàng tham gia "chợ online". Đó là lý do khiến “chợ online" xuất hiện khá nhiều như: Chợ làng Times (Khu đô thị Times City), chợ Đại Kim (Khu chung cư Đại Kim Building), chợ Hapulico (Khu chung cư Hapulico)… Chỉ tính riêng khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) đã có 3 “chợ online” trên Facebook với tên gọi khác nhau: Chợ Chung cư Kim Văn - Kim Lũ CT12 (12.600 thành viên); Chung cư Kim Văn - Kim Lũ 12B (trên 9.400 thành viên); Hội chung cư Kim Văn - Kim Lũ (gần 13.400 thành viên)...

“Chợ online” đang được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Nhật Nam



Trên “chợ” này, các “sạp hàng” bày bán đủ loại, từ hàng hóa giá trị lớn như căn hộ, ô tô, xe máy, đồ điện tử… đến các loại nhu yếu phẩm, đồ dùng như mắm, muối, gạo, măng, miến, quần áo, đồ chơi… Từ hàng hóa mới tinh đến hàng thanh lý, đã qua sử dụng. Nhưng hàng hóa được chào bán nhiều nhất trên các “chợ online" thường là đặc sản mang từ quê ra hoặc đồ ăn tự làm. Ví dụ, tài khoản tên Phạm Thủy (nhóm Chung cư Kim Văn - Kim Lũ 12B, địa chỉ ở chung cư HH Linh Đàm) bán nem chua rán, khoai lang kén, xôi chiên phồng, bánh bao chay chiên… Chủ “sạp” cam đoan “nói không với chất phụ gia, phẩm tạo màu” và sẵn sàng giao hàng từ 5h30 đến 23h hằng ngày. Điều tiện lợi cho các cư dân ở các chung cư là chỉ cần ngồi nhà lướt Facebook đã có thể chọn được hàng hóa tùy thích với giá cả không hề chênh lệch so với bên ngoài.

Để phục vụ tận tay người mua hàng, dịch vụ vận chuyển trên "chợ online" cũng rất đa dạng. Cư dân các khu chung cư không xa lạ gì với hình ảnh một bà giúp việc với chiếc xe đẩy, đi giao bánh cuốn, bánh giò... dọc các khu căn hộ; các em bé tất tả với những túi nấm tươi bấm chuông từng hộ để giao hàng; hay một ông chồng ì ạch xách những túi cam tươi hối hả đi đưa hàng giúp vợ... Chị Nguyễn Thúy (CT12A, Kim Văn - Kim Lũ) cho biết, khi mới chuyển về chung cư này sinh sống, chị nhận được rất nhiều tờ rơi cài ở cửa. Các hộ có hàng bán đều lưu lại điện thoại và sẵn sàng giao hàng tận nơi. “Tôi muốn ăn một cốc chè, có ngay. Trưa con trai tôi ở nhà một mình nên thường gọi đồ ăn của một cửa hàng trên tầng, mì miến, cháo có cả. Nếu tôi đang nấu ăn, thấy gạo hết, gọi điện thoại là chỉ 15 phút sau sẽ có…” - chị Thúy kể.

Theo chị Lương - một người thường xuyên tham gia “chợ online" tại Khu chung cư Home City (Cầu Giấy), điều khiến chị thích nhất là mọi người đều quen biết, có địa chỉ, người bán cũng cam đoan bảo đảm chất lượng, nếu hàng hỏng hóc đều có người để “bắt đền”. Còn những món ăn họ tự làm với số lượng không nhiều nên cũng bảo đảm an toàn thực phẩm hơn là mua đồ ở các cửa hàng vỉa hè. “Nhanh chóng, tiện lợi, hợp túi tiền, chất lượng bảo đảm” là những lợi thế của “chợ online", điều mà không phải chợ truyền thống nào cũng đáp ứng được - chị Lương chia sẻ.

Xu hướng kinh doanh hiện đại

Trong thời buổi nhà nhà, người người đều tham gia mạng xã hội, để kinh doanh trên "chợ online" cũng đòi hỏi những yêu cầu khá khắt khe. Giống như chợ truyền thống, dù việc kinh doanh không mất phí, song "chợ online" cũng có ban quản lý là các admin (quản trị viên), có những quy định rõ ràng buộc các thành viên phải tuân thủ, nếu không muốn bị xóa bài, chặn tài khoản (ban nick) hoặc cấm kinh doanh.

Ông Bùi Thành Hưng - thành viên Ban Quản trị chung cư Rainbow Văn Quán cho biết: Ban đầu, ban quản trị lập ra Facebook của khu chung cư cốt để chia sẻ những thông tin nội bộ. Sau do nhu cầu mua bán, trao đổi của cư dân, "chợ" ngày một lớn dần với nhiều mặt hàng buôn bán, kinh doanh chuyên nghiệp. "Để tránh trường hợp gian lận, nhiều "chợ online" còn quy định người bán phải ghi rõ địa chỉ, nguồn gốc hàng hóa, giá bán công khai. Chỉ cần một lần thất hứa, bán hàng kém chất lượng, cân điêu... lập tức chủ hàng sẽ bị cư dân điểm mặt, chỉ tên, thậm chí bị admin cảnh cáo hoặc xóa luôn nick"- ông Hưng chia sẻ.

Với không gian không giới hạn, không chỉ cung cấp hàng hóa, sản phẩm thông thường, "chợ online" còn là nơi thu hút đông đảo cư dân tham gia các khóa đào tạo nữ công gia chánh, các lớp học cắm hoa, trang điểm, hay là nơi chia sẻ các bí quyết ăn uống, tập thể dục giảm cân, chăm sóc gia đình, các địa điểm vui chơi, du lịch...

Bám sát nhu cầu của cuộc sống, những khu chợ "không tiếng rao" này đang trở thành "nơi" lý tưởng kéo những cư dân tại các khu chung cư, khu đô thị xích lại gần nhau, và hình thành một xu hướng kinh doanh mới, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng “chợ online”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.