Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Room” cho khối ngoại - “nới” hay “khóa”?

Hà Linh| 07/10/2017 07:03

(HNM) - Khi đặt câu hỏi ngân hàng

Vẫn cân nhắc

Tình trạng quản trị kém, nợ xấu chồng chất đang đẩy không ít ngân hàng vào tình trạng thiếu thanh khoản. Thời kỳ các tập đoàn, tổng công ty ồ ạt thành lập ngân hàng khi ngành này tăng trưởng quá “nóng” đã mang lại hệ lụy không nhỏ. Những “cục" nợ xấu khổng lồ, những cái tên ngân hàng bị biến mất trong hệ thống khi phải sáp nhập với ngân hàng khác, ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng... công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã trải qua những thời kỳ khắc nghiệt nhất.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài tiềm năng.
Ảnh: Huy Khánh



Trong khi công cuộc tái cơ cấu vẫn được các ngân hàng đẩy mạnh, tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài cũng được coi là một trong những giải pháp hiệu quả. Bởi, không chỉ có vốn, sự tham gia của khối ngoại trong quản trị, điều hành ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng hoạt động tốt hơn, có khả năng cạnh tranh với không chỉ các ngân hàng trong nước, mà còn với các ngân hàng trong khu vực và thế giới.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đưa ra thông tin về việc ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi, nâng tổng vốn điều lệ lên 6.010 tỷ đồng. Không chỉ muốn thu hút nhà đầu tư trong nước, ngân hàng này cũng đang tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài khi ký hợp đồng với một ngân hàng lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác cho ngân hàng. Mặc dù được đánh giá là thực hiện tái cơ cấu thành công, song, với mục tiêu tiến đến một vị trí trong nhóm dẫn đầu, việc ngân hàng này tìm đối tác ngoại là không quá bất ngờ.

Không chỉ NCB, nhiều ngân hàng khác vẫn đang cân nhắc về nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng không có ý định “nới”, thậm chí còn muốn “khóa room” với nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn, việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) gửi thông báo xin ý kiến cổ đông về việc quản lý tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông nước ngoài. Cụ thể, ngân hàng này xin chấp thuận tạm thời chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 0%. Hay như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) xin ý kiến cổ đông giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong khi các ngân hàng khác muốn “nới room” đối với khối ngoại, còn LienVietPostBank lại muốn “khóa”, vì nếu mở rộng cửa thì để cho nước ngoài chọn mình, còn khép bớt cửa là để mình chọn đối tác nước ngoài.

Tìm khối ngoại cho ngân hàng 0 đồng

Trong khi những ngân hàng “khỏe” vẫn đang cân nhắc về việc “nới” hay “khóa room”, các ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt lại muốn có sự tham gia thực sự của khối ngoại. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này muốn kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Thực tế, hiện nay đã có ngân hàng ngoại muốn tham gia quá trình tái cơ cấu Oceanbank, nếu thương vụ mua bán, sáp nhập này thành công, Việt Nam có thể sẽ có thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Các ngân hàng 0 đồng, hay đang trong diện kiểm soát đặc biệt được khối ngoại nhắm tới nhờ những kết quả hoạt động kinh doanh khá lạc quan. Chẳng hạn, Oceanbank kinh doanh có lãi kể từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đạt tăng trưởng huy động vốn hơn 700 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2017, thu hồi nợ xấu được 1.260 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, vẫn còn những vướng mắc cho sự tham gia của khối ngoại, đó là vấn đề về xử lý nợ xấu và thương lượng giá mua, bán ngân hàng. Nếu những vấn đề này được giải quyết, các ngân hàng ngoại sẽ không ngần ngại “đổ vốn” vào ngân hàng trong nước. Thực tế là những rào cản này đang dần được Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ với việc cơ quan này trực tiếp định giá bán, lựa chọn đối tác nước ngoài mua lại ngân hàng yếu kém.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với những cải tiến mạnh mẽ thời gian qua, ngành Ngân hàng của Việt Nam đang gây chú ý với các nhà đầu tư đến từ Châu Á. Còn đối với các nhà đầu tư đến từ phương Tây vẫn còn chút ngờ vực, vì họ cho rằng công nghệ ngân hàng của Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chưa lường đoán được, đặc biệt là những rủi ro trong hệ thống. Giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa, hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Room” cho khối ngoại - “nới” hay “khóa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.