Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắp xếp lại các ban quản lý dự án: Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động

Trung Hiếu| 13/10/2017 07:17

(HNM) - Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP Hà Nội vừa phối hợp khảo sát việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và năm 2017 tại 5 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố.


- Theo báo cáo khảo sát, 5 ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố có gần 1.000 người. Bà có thể giải thích rõ hơn về thông tin này?

- Về vấn đề này, báo cáo khảo sát đã nói rất rõ. Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, 5 ban quản lý dự án chuyên ngành được thành lập trên cơ sở rà soát, sắp xếp 26 ban quản lý dự án của các sở, ngành, quận, huyện theo các chuyên ngành: Giao thông; văn hóa - xã hội; dân dụng và công nghiệp; nông nghiệp và phát triển nông thôn; cấp nước, thoát nước và môi trường. Sau khi sắp xếp, các ban quản lý dự án tiếp nhận nguyên trạng từ con người, tài sản đến công việc. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và quan trọng là trên cơ sở đề án vị trí việc làm được thành phố phê duyệt, các ban quản lý dự án đối chiếu, rà soát, xây dựng tiêu chí và số người cụ thể. Tổng số cán bộ của 5 ban quản lý dự án là 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng. Đến nay, các ban quản lý dự án đã cơ bản sắp xếp xong tổ chức nhân sự, bắt đầu đi vào hoạt động.

Hiện, 5 ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 668 dự án; trong đó có 503 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 93 dự án sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế, còn lại là dự án đầu tư theo hình thức PPP, xã hội hóa và các hình thức khác.

- Đợt khảo sát cho thấy còn những tồn tại, vướng mắc gì?

- Tính đến thời điểm khảo sát, còn 29 dự án chưa hoàn thành tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đầy đủ hồ sơ từ chủ đầu tư trước đây. Việc thực hiện trình tự, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng theo các quy định mới của Nhà nước và thành phố tại một số đơn vị còn lúng túng, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường... Việc triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 ở các ban quản lý dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân nhìn chung thấp: Tính đến ngày 23-8-2017 mới đạt 1.625 tỷ đồng/6.524 tỷ đồng (bằng 25% kế hoạch).

- Vậy, nguyên nhân của tình trạng trên là gì, thưa bà?

- Thực tế, việc thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố trên cơ sở sáp nhập bộ máy, con người từ nhiều cơ quan khác nhau nên cần một khoảng thời gian nhất định để ổn định tổ chức. Thêm vào đó, công tác quản lý hồ sơ dự án của các chủ đầu tư trước đây chưa bảo đảm chặt chẽ, tính trách nhiệm trong công tác bàn giao của từng đơn vị, từng cán bộ chưa đồng đều. Một số dự án đã triển khai từ những năm trước, nay phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế, yêu cầu mới trong công tác quản lý của thành phố...

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã kiến nghị những giải pháp gì?

- Chúng tôi kiến nghị thành phố sớm ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các chương trình, dự án đầu tư công để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, trên tinh thần phân công rõ người, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, cấp nào làm tốt hơn thì giao cấp đó thực hiện. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với ban quản lý dự án chuyên ngành rà soát, bổ sung các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố cần triển khai vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát dự án đầu tư từ ngân sách cấp thành phố đã khởi công, đang thực hiện dở dang nhưng giai đoạn 2017-2020 chưa được bố trí kế hoạch vốn; xây dựng phương án tiếp tục triển khai hoặc triển khai đến điểm dừng kỹ thuật, tránh lãng phí vốn đầu tư.

Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phối hợp với các ban quản lý dự án chuyên ngành xác định cụ thể, chi tiết từng trường hợp vướng mắc trong mặt bằng và có phương án xử lý kịp thời, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố theo quy định, nhất là các dự án trọng điểm giao thông, cấp thoát nước, sử dụng vốn ODA...

Đối với các quận, huyện nơi có dự án triển khai, chúng tôi kiến nghị thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng, chia sẻ thông tin phục vụ công tác theo dõi, tổng hợp tiến độ dự án...

Đối với các BQLDA chuyên ngành: Tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị, xây dựng bộ máy tổ chức đảm bảo gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nghiệp để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao, từ đó bảo đảm nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động theo quy định.

Nói một cách khái quát, việc sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP Hà Nội chính là nhằm tinh gọn đầu mối, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Khi bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp hơn, các dự án đầu tư cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở thành phố...

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp lại các ban quản lý dự án: Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.