Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho nhân tố quyết định

Bùi Chiến Thắng| 10/11/2017 07:07

(HNM) - Thực tiễn những năm qua đã chứng minh: ở nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì nơi đó có phong trào mạnh và đạt kết quả cao. Xác định nhân tố con người quyết định sự thành công, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình này.

Học viên một lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình.


Hướng đến sự hài lòng của người dân

Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội nên đạt được kết quả cao. Đến hết tháng 9-2017, giá trị thu nhập bình quân sản xuất nông nghiệp của thành phố đạt 239 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 38 triệu đồng/ người/năm. Đến nay, Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào đầu năm 2018. Hà Nội cũng đang hướng đến mục tiêu cuối năm 2020, có 10/18 huyện, thị xã và hơn 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%...

Tuy vậy, theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố vẫn còn nhiều việc phải thực hiện. Ví như cơ chế quản lý, vận hành các công trình đầu tư cho nông thôn mới; việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới như thế nào để đạt hiệu quả, không quá sức dân,… Hoặc tiêu chí trường học, mặc dù chỉ chấm 4/100 điểm (thang điểm đánh giá công nhận xã nông thôn mới) nhưng lại là tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn, do vậy các địa phương phải có lộ trình, kế hoạch đầu tư để đạt tiêu chí này. Ông Lê Thiết Cương cho biết: "Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là tạo sự hài lòng của người dân. Chỉ khi được người dân đánh giá hài lòng (thông qua phiếu đánh giá) thì chương trình mới thực sự thành công…".

Nâng cao năng lực cán bộ

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng: Mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai được 7 năm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên trên cả nước vẫn có những tồn tại, hạn chế không đáng có. Đó là nhận thức của một số cán bộ chưa thật thấu đáo nên đưa công tác xây dựng nông thôn mới vào áp dụng trong những lĩnh vực khác như việc xác nhận lý lịch tư pháp gây bức xúc dư luận. Do vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là cần thiết.

Tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới nhằm triển khai hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, TP Hà Nội đang tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp: Thành phố, huyện và xã. Cụ thể, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức 1 lớp tập huấn quy mô cấp thành phố, 18 lớp tại các huyện, thị xã và 386 lớp tại các xã trên địa bàn thành phố.

Học viên tham gia tập huấn là cán bộ của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới thành phố, đại diện các phòng chuyên môn liên quan của Sở NN&PTNT Hà Nội, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, đại diện cán bộ tham gia ban chỉ đạo, ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, cán bộ thôn, cụm dân cư...

Thông qua chương trình tập huấn, học viên được truyền đạt kiến thức về luật đầu tư xây dựng cơ bản, quy trình triển khai dự án cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn xã, nhất là công trình do cộng đồng và người dân tự thực hiện; vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn thể, gia đình, cộng đồng trong quản lý, sử dụng, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; giải pháp huy động các tổ chức đoàn thể, gia đình, cộng đồng tích cực tham gia hơn vào công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình đầu tư sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng... Học viên còn được đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và các xã của TP Hà Nội, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở thành phố và cơ sở.

Theo Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến, hiện cả nước có 39 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó TP Hà Nội có 4 huyện được công nhận; cấp xã có 31,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng TP Hà Nội đạt hơn 60%. Đây là con số ấn tượng phản ánh đúng những kết quả TP Hà Nội đã làm được trong những năm qua.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho nhân tố quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.