Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vốn cho khởi nghiệp từ đâu?

Mai Khanh| 21/11/2017 06:40

(HNM) - Với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, điều kiện cần thiết để phát triển thành công là vốn đầu tư. Tuy nhiên, do đầu tư vào lĩnh vực này có tỷ lệ rủi ro cao nên các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn.

Ứng dụng công nghệ trên bộ sách tô màu của doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của khách tham quan tại Hội sách và khởi nghiệp Hà Nội 2017. Ảnh: Anh Tuấn


Khó thuyết phục nhà đầu tư

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án "Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam", cho rằng: Các nhà đầu tư e ngại khi rót vốn bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp thường không có sẵn một hình mẫu để so sánh, đánh giá, ước lượng sự thành công. Họ chưa hiểu mô hình sẽ tạo ra lợi nhuận ra sao trong khi dễ gặp rủi ro và có tâm lý không thích là người thử nghiệm đầu tiên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam cũng khó trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, bởi các nguyên tắc đầu tư của ngân hàng đòi hỏi nhiều điều kiện như doanh thu, lợi nhuận, tài sản bảo đảm… Đây là những yếu tố mà các đơn vị khởi nghiệp còn phải chờ đợi ở tương lai.

Trong thời kỳ đầu của hệ thống những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, hầu như chỉ có dòng vốn ngoại chảy vào các dự án start-up (khởi nghiệp). Tuy nhiên, mặc dù đã dạn dày kinh nghiệm, có nguồn lực tài chính lớn và hết sức nhạy bén, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khá nhiều khó khăn và thủ tục hành chính rườm rà là một trong những trở ngại lớn nhất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm CyberAgent tại Việt Nam: Nếu như ở một vài nước khác trong khu vực chỉ cần khoảng thời gian một tuần cho tới một tháng để hoàn tất thủ tục giải ngân, thì ở Việt Nam có thể phải mất tới một năm. Việc hoàn thành hồ sơ đầu tư cần rất nhiều thông tin như hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, giấy đăng ký kinh doanh, rồi dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và công chứng… Ngoài ra, tất cả các nhà đầu tư phải ký vào hồ sơ, trong khi họ có thể đang ở các nước khác nhau. Việt Nam lại không chấp nhận chữ ký điện tử nên hồ sơ có thể phải chờ vài tháng mới thu thập đủ chữ ký các bên liên quan. Hơn nữa, dù hàng nghìn giấy phép con đã được xóa bỏ nhưng vẫn còn hàng nghìn giấy phép khác tồn tại khiến việc giải ngân vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bị chậm lại. Trong khi đó, nhiều start-up Việt Nam thường khá thụ động nên khó có thể thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn cho mình.

Cần nhiều nguồn hỗ trợ

Giám đốc điều hành Việt Management Corp., với tư cách vừa là nhà đầu tư, vừa là start-up, ông Trịnh Minh Giang cho rằng: Khi nhìn vào các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư muốn thấy mô hình đó có khả năng sinh lợi sau 3-5 năm hay không. Chính các nhà đầu tư "thiên thần" đã hỗ trợ, xóa đi khoảng cách giữa việc tạo nguồn vốn mồi cho tới khi start-up có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Chính Công ty Việt Management Corp. hiện nay đi vận động vốn từ các doanh nhân quen biết cũng không dễ. Bởi khởi nghiệp tuy được nhắc đến nhiều nhưng thông tin không đầy đủ và không chuẩn nên người nghe lo lắng, không biết liệu đây có phải là phong trào, là bong bóng hay không.

Bà Thạch Lê Anh cho biết thêm, bản thân từ “thiên thần” đã nói lên tính “cứu tinh” của nhà đầu tư khi dự án mới ở giai đoạn tiềm năng. Họ có thể mang đến nguồn vốn mồi cho start-up một cách dễ dàng hơn so với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Quá trình thẩm định gần như không có, vì họ có xu hướng trực tiếp trao đổi với start-up về dự án để xem xét tính khả thi. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư "thiên thần" thường là người có kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan đến kinh doanh nên có thể trở thành những nhà cố vấn đắc lực cho start-up.

Tuy nhiên, theo bà Thạch Lê Anh, hình thức phù hợp nhất cho start-up hiện nay có vẻ là từ các quỹ đầu tư mạo hiểm với tính chất sẵn sàng đầu tư theo xu thế và hiệu quả khai thác thị trường. Để tập trung phát triển start-up, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Bà Thạch Lê Anh dẫn ví dụ qua việc Chính phủ Israel vận hành một quỹ đầu tư Bird trong suốt 9 năm. Quỹ này tính đến năm 2015 đã hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Hay Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng mô hình sàn giao dịch KONEX dành cho các start-up. Vận hành từ năm 2013 đến nay, mô hình KONEX đã vốn hóa tăng gần 4,1 tỷ USD, có 88 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có không ít cổ phiếu được chuyển lên sàn giao dịch chính thức.

Năm 2017 là năm then chốt cho việc thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, start-up và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa về khái niệm start-up. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang tích cực triển khai nhiều vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư, môi trường khởi nghiệp. Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước vì Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học chưa cao, song, với sự chung tay của các bộ, ngành, các tổ chức, nhà đầu tư và sự nỗ lực của các start-up, chắc chắn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ phát triển thực chất chứ không chỉ dừng lại ở một phong trào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vốn cho khởi nghiệp từ đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.