Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo lập mô hình tăng trưởng dài hạn

Nguyễn Lê| 24/11/2017 06:38

(HNM) - Năm 2017, dù rất cố gắng nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu 8,4%. Để có cơ sở đề ra mục tiêu tăng trưởng và phương thức thực hiện trong các năm tiếp theo, thành phố cần có mô hình tăng trưởng dài hạn để làm… kim chỉ nam.

Chuyển trọng tâm từ chiều rộng sang chiều sâu là kim chỉ nam cho tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.


Thách thức từ chất lượng nguồn nhân lực

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt từ 8,4 đến 8,7%. Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018, GRDP của thành phố năm 2017 chỉ có thể đạt 8,25%. Cụ thể, tổng GRDP năm 2017 của thành phố ước đạt 1.060.618 tỷ đồng, tăng 8,25% (cùng kỳ tăng 8,05%); trong đó: khu vực dịch vụ tăng 8,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%, khu vực nông nghiệp tăng 6,3%. Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 24,9%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.

Cũng theo báo cáo này, năm 2018, thành phố đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 8,4 đến 8,5%. Chỉ tiêu này không khác biệt so với năm 2017. Theo các chuyên gia, năm 2018, bên cạnh những cơ hội và lợi thế đặc thù, thành phố sẽ đối diện không ít khó khăn, thách thức. Trước tiên, đó là vấn đề nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, thành phố khó có được sức cạnh tranh lớn khi nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một "ẩn số". Về hạ tầng, thời gian qua, thành phố đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cho giao thông, đô thị để góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội song thực tế cho thấy, vốn đổ vào lĩnh vực này không có điểm dừng mà hiệu quả mang lại chưa thật sự xứng tầm. Trong cải cách hành chính, dù chính quyền thành phố quyết tâm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp vô điều kiện nhưng số doanh nghiệp thành lập mới, số dự án thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, để tạo "xương sống" trong tăng trưởng cho những năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh buộc phải thay đổi từ bên trong. Đó là thay đổi tầm nhìn, tư duy trong hoạch định chiến lược và phương thức thực hiện dựa vào những lợi thế đặc thù.

Chuyển trọng tâm tăng trưởng sang chiều sâu

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính khiến kết quả tăng trưởng GRDP năm 2017 không đạt chỉ tiêu đề ra là do chưa có cơ chế phát huy hết tiềm năng của thành phố. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng dựa trên thâm dụng vốn, lao động sang tăng trưởng dựa trên công nghệ, sáng tạo rất cần sự năng động của doanh nghiệp. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh lại có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đây là một trong những lợi thế đặc thù của thành phố cần phát huy triệt để. Ông Phạm Thành Long (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp năng động được xem là chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, muốn cải thiện năng lực cạnh tranh, TP Hồ Chí Minh cần nỗ lực toàn diện chứ không phải chỉ nỗ lực riêng của một cơ quan, ban, ngành hay cộng đồng doanh nghịêp.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng bứt phá so với cả nước, không chỉ dừng lại ở 8,5% mà có thể đạt 9,0%, thậm chí hơn. Bởi, với số dân đông nhất cả nước, có thu nhập trung bình cao, rõ ràng TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại và tiêu dùng lớn nhất cả nước. Đây cũng chính là lợi thế đặc thù mà không địa phương nào có được. Nhưng vấn đề là thành phố đã khai thác hết tiềm năng chưa? "Nếu khai thác sâu lợi thế này, đây sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới của TP Hồ Chí Minh", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Để có định hướng trong việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cũng như phương thức thực hiện, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để xây dựng mô hình tăng trưởng dài hạn của thành phố đến năm 2025. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập. Điểm đáng chú ý trong nhiệm vụ này là thành phố sẽ cải cách hành chính một cách mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường cũng như hội nhập sâu, rộng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Thành phố cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của thành phố. Đặc biệt, thành phố quyết tâm và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xoay trọng tâm tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo lập mô hình tăng trưởng dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.