Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến "Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam"

HNMO| 08/12/2017 13:35

(HNMO) - Chiều 8-12, Báo Hànộimới, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

17:09 08/12/2017

Phát biểu kết thúc Toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau 3h đồng hồ tiến hành toạ đàm trực tuyến, hàng chục ý kiến hỏi đáp và phát biểu từ lãnh đạo UBND thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động, các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... đã giúp độc giả và các khách mời dự tọa đàm có được bức tranh khá tổng thể về vấn đề tiêu thụ hàng hoá Việt Nam; qua đó khẳng định rõ, để hàng Việt Nam vươn xa được thì phải thoả mãn nhiều điều kiện, trong đó mẫu mã, chất lượng, giá thành là những yếu tố không thể thiếu. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng cần đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng như bền, đẹp, giá cả phải chăng, mẫu mã bao bì hấp dẫn...

Qua toạ đàm cho thấy, chúng ta không thiếu nguồn lực, cả vật chất lẫn trí tuệ, nhưng việc nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng còn hạn chế. Cho nên, hàng Việt Nam thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn trong hành trình đến với người tiêu dùng Việt Nam. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến thành phố, của cả hệ thống chính trị, trong đó có Ban chỉ đạo Cuộc vận động từ Trung ương, thành phố đến các quận huyện, cộng với sự nỗ lực, cố gắng của chính các DN thì hàng Việt Nam đã từng bước chinh phục được người Việt Nam và có chỗ đứng trên thị trường, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại, thậm chí một số sản phẩm đã vươn xa hơn tới thị trường quốc tế.

Tổng Biên tập Báo Hànộimới hy vọng sau buổi toạ đàm, mỗi DN sẽ có thêm thông tin, kinh nghiệm và chiến lược phát triển để thật sự chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.


16:55 08/12/2017

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong gần 3 giờ diễn ra cuộc tọa đàm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội… đã cùng thảo luận, trao đổi hàng chục nội dung về tình hình kết quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích” và đặc biệt là các vấn đề về thực trạng hàng giả, hàng nhái, các cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp...



Đồng chí Phó Chủ tịch đánh giá, cuộc tọa đàm có ý nghĩa rất thiết thực nhằm thông tin, tuyên truyền rộng rãi kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, cũng như đóng góp những sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.Ban chỉ đạo cuộc vận động đã phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố triển khai nhiều chương trình và đã đạt được các kết quả quan trọng, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô như: Công tác thông tin tuyên truyền đổi mới, phù hợp với thực tiễn giúp từng bước làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt; thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, hỗ trợ khâu kết nối cung - cầu hàng hóa giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp thông qua các hội nghị, tổ chức các hội chợ để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới qua Hội nghị Giao thương 63 tỉnh, thành phố, các chương trình Tháng khuyến mại 2017, Khởi nghiệp cùng Hàng Việt, Hội chợ Hàng Việt 2017…

Bên cạnh đó, thành phố cũng liên tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời có sự hỗ trợ. Trong các vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có, có những chính sách chưa có, thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh, bổ sung. Đồng thời, từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, thành phố sẽ tích cực rà soát, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, song song đó, các doanh nghiệp cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách nếu phát hiện hàng giả liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình thì phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý. 

Nhìn chung, qua việc triển khai Cuộc vận động, nhận thức của người dân đối với hàng Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc vận động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quận, huyện chưa quan tâm triển khai cuộc vận động; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật; việc tổ chức cuộc vận động tại các khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; hàng giả, hàng nhái còn tồn tại... 

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng thiết thực, đáp ứng các yêu cầu trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới; thực hiện mạnh mẽ hơn các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đặc biệt là trên đường bộ, đường sông, đường hàng không. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề chi phí, cải cách thủ tục…

Đối với một số kiến nghị của các doanh nghiệp tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu và chỉ đạo các sở, ban, ngành giải quyết, tháo gỡ. 

16:50 08/12/2017

- Độc giả Mai Hữu (email huumainguyen@yahoo.com) hỏi: “Tết Nguyên đán 2018 sắp đến, vậy doanh nghiệp đã có chiến lược sản xuất, kinh doanh gì để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân? Sở Công Thương đã xây dựng kế hoach phục vụ tết cho người dân như thế nào”?

- Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trả lời:


Năm nào cũng như vậy, thành phố rất chăm lo đến việc đảm bảo nguồn hàng hoá cho việc phục vụ Tết. Ngay từ tháng 6, thành phố đã ban hành kế hoạch từ tháng 6-2017 đến tháng 4-2018, để triển khai kế hoạch phục vụ Tết cho người dân. Việc chuẩn bị các nhóm hàng thiết yếu và nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dip Tết như: bánh kẹo, bia rượu nước giải khát...đã được thực hiện, do đó, Sở có kế hoạch dự trữ các nguồn hàng của các nhóm hàng này. Năm nay, số tiền để dự trữ nguồn hàng lên tới 26.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

Sở Công Thương cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra trong dịp Tết và yêu cầu các xã huyện xây dựng kế hoạch phục vụ. Hiện nay, cũng đã có phương án cho các chợ Hoa Tết. Cho đến giờ phút này, các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất lượng hàng lớn để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp Tết. Thành phố cũng tổ chức Hội chợ kết nối cung cầu, để đưa các sản phẩm từ thành phố về các tỉnh thành, chuyển các mặt hàng đặc sản của các tỉnh thành về Hà Nội. Đồng thời, Sở cũng tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, giám sát để người dân yên tâm vào các mặt hàng cung ứng cho thị trường.

Thành phố cũng quan tâm đến việc phục vụ người dân ở ngoại thành, phục vụ các huyện vùng sâu, vùng xa. Dự kiến sẽ có hơn 200 các chuyến hàng phục vụ các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tự tổ chức mạng lưới phân phối cho người dân.

Tăng cường kiểm tra hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tích cực đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các vùng nông thôn, có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho nhu cầu của người dân trong dip Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

16:43 08/12/2017

Bạn đọc Trần Hoàng Minh ở huyện Phúc Thọ hỏi: “Vì sao xu hướng người tiêu dùng trong nước lại ưa chuộng các sản phẩm mang nhãn mác “hàng việt nam xuất khẩu” hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước cho người Việt Nam? Có phải do tâm lý e dè về chất lượng chênh lệch giữa hai loại hàng hóa này? Theo ông/bà làm thế nào để giải quyết tình trạng này?”


Ông Phạm Thanh Hùng - Công ty Ba Huân.


Ông Phạm Thanh Hùng - Công ty Ba Huân trả lời:

Công ty Ba Huân đã hình thành hơn 40 năm trong ngành trứng gia cầm. Sau khi phát triển tại TP Hồ Chí Minh, công ty đã ra Hà Nội đầu tư xây dựng, phát triển. Chúng tôi cảm ơn TP Hà Nội đã tạo điều kiện về chính sách để công ty xây dựng nhà máy tại huyện Phúc Thọ để xử lý trứng.

Về vấn đề làm thế nào “Để hàng Việt Nam chinh phục hàng Việt Nam”, ông Phạm Thanh Hùng cho biết: Ngoại trừ việc Nhà nước hỗ trợ thì đối với các DN như chúng tôi tự xác định vai trò của mình rất lớn. Chúng tôi phải tự đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, đưa ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, khâu phân phối rất quan trọng. Chúng tôi đồng hành cùng chương trình của Sở Công Thương là đưa hàng hóa vào các siêu thị, chợ truyền thống, đặc biệt gần đây là đưa vào chuỗi cửa hàng sạch tại Hà Nội như tại 122 Thụy Khuê. Sáng mai (9-12), chúng tôi tiếp tục khai trương cửa hàng tại huyện Phúc Thọ.

Ông Thanh Hùng cũng nhìn nhận, vấn đề truyền thông rất quan trọng trong việc đưa được sản phẩm của mình với người tiêu dùng. Theo ông Hùng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn e ngại sử dụng trứng do tâm lý dùng nhiều trứng sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ dùng trứng/đầu người rất cao thì tại Việt Nam trung bình là 72 quả trứng/người/năm. Việc tiêu thụ này là rất ít. “Người Việt ngại ăn trứng vì sợ bị bệnh. Tôi khẳng định bệnh là do ăn trứng chưa qua xử lý mà thôi”.

Qua buổi tọa đàm, chúng tôi cảm ơn Báo Hànộimới đã đưa được kiến thức tiêu dùng với bạn đọc.

16:35 08/12/2017

Hỏi: Như thông tin của Chi cục quản lý thị trường, tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn được bày bán trên thị trường và người tiêu dùng khó phát hiện đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Lời khuyên của ông (bà) với người tiêu dùng khi mua những sản phẩm này? Các doanh nghiệp có biện pháp gì để cải thiện lòng tin của người tiêu dùng cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết hàng chính hãng đảm bảo chất lượng?

Ông Lưu Hải Minh-Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội: Hiệp hội DNNVV Hà Nội thường xuyên tuyên truyền để DN tự bảo vệ chính mình, sản phẩm làm ra phải có nhận diện, có tem mác. Hiện nay, những sản phẩm về bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm… đã dùng phần mềm để kiểm tra xuất xứ, kiểm tra mã vạch để đảm bảo sản phẩm đó chính hàng.

Với những sản phẩm chưa sử dụng biện pháp trên thì có thể dùng mã vạch đó tích hợp với đơn vị làm dịch vụ cho mã vạch. Tuy nhiên, điều quan là doanh nghiệp phải truyền thông, DN phải có website để đưa thông tin chính thức lên website của mình nhưng nhiều DN lại không muốn đưa thông tin của DN và sản phẩm lên website, có thể do trình độ IT kém hoặc DN không quan tâm. Chỉ khi hàng nhái, hàng giả hàng của mình xuất hiện thì mới nghĩ đến việc chống, điều này là không ổn mà DN phải phòng trước khi chống.

Bên cạnh đó,  Hiệp hội DNNVV thành phố cũng tổ chức hội thảo, tọa đàm về chống hàng giả, hàng nhái của DN, đã ký với đơn vị chống hàng giả của Hà Nội cam kết để DN không tiêu thụ hàng nhái, hàng giả.

16:30 08/12/2017

Hỏi: "Bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất để giúp DN trong nước có thể tồn tại và phát triển vững mạnh. Xin cho biết trong năm 2017, Sở Công Thương TP đã thực hiện công tác này như thế nào? Kết quả đạt được ra sao và sẽ có những giải pháp gì hữu hiệu trong thời gian tới để giúp DN có được môi trường phát triển lành mạnh, đặc biệt là dịp cuối năm này, khi tình hình buôn lậu diễn ra phức tạp" - Bạn đọc có địa chỉ email khanhhoatrinh2017@yahoo.com.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan: chống hàng giả là vấn đề phức tạp, được nhiều cấp nhiều ngành quan tâm, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Việc làm hàng giả được thực hiện rất tinh vi, bằng nhiều hình thức.

Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2017. Với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở cũng đã quan tâm chỉ đạo sâu sát với lực lượng QLTT chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho DN Việt trong nước

Trong năm 2017, Chi cục QLTT đã chỉ đạo đội địa bàn và BCĐ 389 liên ngành tập trung thanh, kiểm tra trên các tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai và các làng nghề, DN sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, theo phản ánh của DN khi có đơn thư phản ánh

Năm 2017, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 419 vụ, phạt 12.220 triệu đồng. Đây vẫn là những con số nhỏ chưa đáp ứng được mong mỏi của DN trên địa bàn HN nói riêng và cả nước nói chung. Cuối năm 2017, vào dịp Tết sắp tới và kế hoạch năm 2018, Sở chỉ đạo Chi cục QLTT "đánh mạnh" và kiểm tra trên các tuuến đường lưu thông; tăng cường kiểm tra các kho hàng mà các DN dự trữ trước khi tung ra thị trường và kiểm tra các đơn vị kinh doanh tại các tuyến phố để phát hiện kịp thời hàng giả, hàng nhái.

Sở mong muốn sự vào cuộc của DN khi biết tự bảo vệ mình và hạn chế tối đa việc DN khác có thể làm hàng giả, hàng nhái; thường xuyên phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả để cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước...

Sở cũng sẽ nghiên cứu quy định của pháp luật để tăng mức độ xử phạt, có tính răn đe với DN sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Với các biện pháp vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của DN, hy vọng năm 2018 sẽ giảm tình trạng này.

16:17 08/12/2017

Hỏi: Trong công cuộc bảo vệ thương hiệu, ngoài việc làm ăn chân chính, các DN còn phải luôn căng mình chống hàng giả, hàng nhái. Bởi khi đã có thương hiệu, tên tuổi, các sản phẩm của DN rất dễ bị làm giả, làm nhái và vi phạm này gây tổn hại sâu sắc đến uy tín, lợi ích của DN. Bạn đọc Nguyễn Ngọc Nghĩa ở Trần Phú, Hà Đông muốn hỏi DN “đau đầu” như thế nào và đã làm gì để chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng? 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám Đốc Công ty CP Khoá Việt Tiệp cho biết, có những doanh nghiệp làm tốt trong việc bảo vệ thương hiệu. Nhưng lại xuất hiện tình trạng hàng giả hàng nhái đã gây lo lắng cho cả doanh nghiệp đã có thương hiệu và đang xây dựng thương hiệu. Trên thực tế, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu của mình cần vận dụng tốt sức mạnh của truyền thông, sử dụng tem chống hàng giả, thay đổi công nghệ hoặc có những công nghệ đặc trưng mà hàng giả hàng nhái không thể bắt trước. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra rằng doanh nghiệp chỉ giữ một phần nhỏ trong công cuộc bảo vệ thương hiệu, còn cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất. 

Tất cả hàng nhái, hàng giả của các thương hiệu đến từ Trung Quốc bằng các con đường tiêu ngạch qua biên giới và cơ quan quản lý cần giúp doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng này. Nếu chặn được tiểu ngạch, thì doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu sẽ có cơ hội phát triển tốt tại thị trường trong nước. 

Nói về lí do hàng giả hàng nhái tiêu thụ nhanh vì: giá thành rẻ mặc dù công nghệ thua xa Việt nam do chất lượng trong sản xuất công nghiệp, sản xuất năng suất cao, quan trọng nữa là trốn được nhiều thứ (xuất, nhập, thuế, bảo hiểm…) .  

16:17 08/12/2017

Cùng câu hỏi về cách xử lý khủng hoảng đối với các thương hiệu của doanh nghiệp, làm thế nào để tạo niềm tin với khách hàng. Đâu là hướng giải quyết cho tình trạng này?

Ông Phạm Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng TP: Vụ việc Khaisilk là một thương hiệu nổi tiếng, nhưng lại bán hàng Trung Quốc thực sự là một điều đáng tiếc. Vì sản xuất tơ tằm của nước ta để dệt thành lụa, là quá trình làm thủ công, nên khi thành sản phẩm giá thành đội lên khá cao. Còn lụa Trung Quốc được làm bằng tơ hoá học có tính chất gần giống với tơ tằm, sau này thế giới vẫn công nhận là lụa nhưng là tơ hoá học thì giá thành rẻ hơn rất nhiều. Nhưng dĩ nhiên nó không thể so được với chất liệu tơ tằm thật.

Thực tế, đã xây dựng được thương hiệu như vậy mà để mất là điều rất tiếc. Nếu nhìn nhận dưới góc độ thương hiệu thì với vụ việc vừa qua thương hiệu Khaisilk đã gắn với hàng Trung Quốc mất rồi. Vì vậy, chúng tôi chỉ khuyến cáo các doanh nghiệp, để tạo ra một thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu còn khó gấp nhiều lần, vì thương hiệu phản ánh chất lượng và phát triển thị trường. Có thương hiệu rồi mà để mất thì là điều rất tiếc.

16:15 08/12/2017

Hỏi: Bạn đọc Ngân Đỗ (email ngan2569@gmail.com) hỏi: Từ vụ việc Khaisilk cho thấy, cung cách phục vụ, xử lý khủng hoảng cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu. Vậy nhưng nhiều đơn vị nội địa chưa thực sự chú tâm đến vấn đề này để tạo niềm tin với khác hàng. Đâu là hướng giải quyết cho tình trạng này?


Bà Nghiêm Thị Thu Hương 


Bà Nghiêm Thị Thu Hương - Công ty TNHH thương mại và sản xuất Đông Hương Bà (Lụa Đông Hương) chia sẻ:


“Tôi là nhà thiết kế, chuyên thiết kế các sản phẩm trên chất liệu lụa nên hiểu rất rõ sản phẩm của mình. Cá nhân tôi cho rằng, mỗi một nhà sản xuất như công ty của tôi cần phải ý thức rõ, sản phẩm làm ra phải đảm bảo: đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn với người sử dụng, có tem, nhãn mác xuất xứ đầy đủ, rõ ràng, hộp bìa bắt mắt, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, cách cư xử, ứng xử bán hàng phải có văn hóa thì mới mong giữ được niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, cần phải có quảng cáo tốt thì mới làm nên thương hiệu tốt”.

Tại buổi tọa đàm, bà Nghiêm Thị Thu Hương cũng đề nghị lãnh đạo TP, cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông giúp các ND có được kênh truyền thông phù hợp để có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt cũng như hướng dẫn người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng sản phẩm đúng cách. Bà Nghiêm Thị Thu Hương lấy ví dụ về sản phẩm lụa rất khó tính trong việc sử dụng, như không được giặt bằng máy, không sử dụng nước giặt có sút vì các sản phẩm làm từ lụa tự nhiên 100% từ tơ tằm, nếu giặt bằng sút, kể cả giặt khô cũng có thể bị bở và hỏng.

Làm thế nào để giữ được thương hiệu, bà Hương khẳng định: “Giữ thương hiệu rất khó. DN có thể mất tiền nhưng để mất một thương hiệu thì lấy lại vất vả. Vì thế, mỗi DN phải cố gắng giữ gìn thương hiệu, thành quả mà mình xây dựng, điều này không có cách nào khác chính là bằng sản phẩm và lương tâm của người sản xuất”.

16:08 08/12/2017

Cũng trả lời câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thế Tiệp, bà Trần Thị Ngọc Lan, Chủ cơ sở sản xuất lụa Lan Sơn cho hay: Trong làng nghề này, vợ chồng tôi là những người còn trẻ vẫn bám nghề bởi khi kinh tế phát triển, nhiều người quay lưng với nghề dệt. Sản phẩm của chúng tôi khá đặc biệt, có màu sắc khác hẳn so với sản phẩm cùng loại tại địa phương bởi sản phẩm được nhuộm trước khi dệt.


Bà Trần Thị Ngọc Lan, Chủ cơ sở sản xuất lụa Lan Sơn.


Theo tôi, để lấy lại niềm tin của khách hàng thì việc đầu tư sản xuất, cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm là rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi luôn tham gia lớp học về mỹ thuật để thay đổi chi tiết sản phẩm, đưa hơi thở thời trang vào sản phẩm trên nền lụa truyền thống. Lụa của chúng tôi có hoa văn, trên đó chúng tôi dệt thêm đường kẻ để sản phẩm mang phong cách thời trang hơn. Với những cải tiến đó, khách hàng sẽ tìm đến sản phẩm nhiều hơn.

Tôi cho rằng, việc tham gia buổi tọa đàm hôm nay cũng là cơ hội để chúng tôi lấy lại niềm tin của khách hàng, bởi qua buổi tọa đàm này, nhiều người sẽ biết đến chúng tôi hơn, tin tưởng chúng tôi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến "Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.