Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa con tàu kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn

Minh Hiếu| 11/01/2018 06:29

(HNM) - Cách đây đúng 11 năm, ngày 11-1-2007, tại TP Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tiến hành nghi lễ trao thẻ quy chế thành viên chính thức cho Việt Nam.

Gia nhập WTO là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.


Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại TP Đà Nẵng tháng 11-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP. Việt Nam đã nỗ lực cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh. Đến nay đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP... Theo các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện".

Tăng trưởng kinh tế là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Dù không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công, nền kinh tế Việt Nam sau 11 năm gia nhập WTO vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 6%/năm và dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. So với cách đây hơn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện đáng kể với mức tăng hơn 2,5 lần. Con số gần 13 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 là minh chứng rõ nét của tiềm năng thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đã có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được ký kết hoặc hoàn tất đàm phán.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, gia nhập WTO tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài của các nhà xuất khẩu Việt Nam phần nào cải thiện, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nước ngoài ngay trên thị trường nội địa, đặc biệt là với hàng may mặc và giày dép... Nhìn từ góc độ rộng hơn, gia nhập WTO mang lại những ảnh hưởng tích cực lâu dài cho kinh tế nước nhà. Thuế nhập khẩu thấp hơn giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng phúc lợi với người tiêu dùng. Với việc tiếp cận thị trường xuất khẩu và thị trường vốn thế giới, cán cân thanh toán cũng sẽ được duy trì.

Gia nhập WTO là mục tiêu phấn đấu của nhiều nước, nhất là những nền kinh tế đang phát triển bởi đây được xem là cơ hội tham gia một cách sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Khoảng 2/3 số thành viên WTO là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguyên Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng, Việt Nam là một ví dụ thành công về tiến trình hội nhập mà ở đó, nước ta đã khai thác được nhiều lợi thế so sánh, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Nhờ những nỗ lực hội nhập quốc tế không ngừng nghỉ, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác không tránh khỏi những thách thức khi sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt hơn, trên bình diện sâu rộng hơn. Trước làn sóng phát triển ồ ạt, nhóm đối tượng thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội đứng trước nguy cơ chịu những ảnh hưởng tiêu cực, bên cạnh đó là áp lực di cư, bất bình đẳng đè nặng lên đời sống xã hội, những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Những điểm yếu này nếu không sớm được khắc phục sẽ để lại hậu quả lâu dài cho tiến trình phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

Các chuyên gia nhận định, việc trở thành thành viên của WTO đã mở ra kỷ nguyên mới cho thương mại và đầu tư tại Việt Nam - một trong những quốc gia Châu Á có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để tận dụng các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau đổi mới, việc gia nhập WTO đã nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp với những mối quan hệ đan xen về lợi ích, việc giải quyết hàng loạt thách thức đặt ra chính là chìa khóa để Việt Nam tạo đà, tiếp tục đưa con tàu kinh tế vươn ra biển lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa con tàu kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.