Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn giống cây trồng chất lượng

Đỗ Minh| 31/01/2018 07:25

(HNM) - Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng khảo nghiệm, thực nghiệm, qua đó tạo nguồn giống cây trồng chất lượng đưa vào sản xuất...


Vụ đông năm 2017-2018, người dân xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức tiếp tục triển khai trồng hoa ly vụ thứ 2 theo đúng quy trình khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng và kỹ thuật của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội. Bà Hoàng Thị Lan, xã Đại Hưng chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia mô hình thực nghiệm một số giống hoa ly giá trị kinh tế cao với diện tích gần 1.000m2. Nhờ cán bộ Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật nên cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán". Theo bà Lan, so với nhiều cây vụ đông như ngô, lạc..., người dân xã Đại Hưng trồng hoa ly cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Ngoài hỗ trợ nông dân xã Đại Hưng, năm qua, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội còn triển khai các mô hình thực nghiệm giống hoa ly mới tại các xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), Mỹ Lương (Chương Mỹ), Tân Hòa (Quốc Oai), Tam Thuấn, Hát Môn (Phúc Thọ) với quy mô 0,33ha gồm các giống hoa: Dalian, Amorossi, Serrada, đối chứng Sorbonne. Đồng thời, Trung tâm thực nghiệm sản xuất một số giống lan rừng: Long Tu, Lan Trầm, Hoàng Lạc, Phi Điệp, Đuôi Sóc, Đai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc với quy mô 0,3ha hiện tại đang sinh trưởng phát triển tốt. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Trồng hoa chất lượng cao, nhất là hoa lan, có mô hình Trung tâm triển khai cho thu nhập vài tỷ đồng/ha.

Cùng với những mô hình trên, hằng năm, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội còn khảo nghiệm, thực nghiệm nhiều loại giống cây trồng khác nhau. Đơn cử, năm 2017, Trung tâm triển khai sản xuất giống cây trồng với quy mô gần 133ha, trong đó: 68,5ha lúa, 62ha lạc, đậu tương, 0,36ha hoa, còn cây ăn quả 2ha thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật trên cây bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ); thực nghiệm sản xuất bưởi giống trên giá thể xơ dừa với số lượng 10.000 cây...

Với những mô hình thực nghiệm, khảo nghiệm trên, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã chọn được 2 giống lúa có triển vọng, đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội bổ sung vào cơ cấu giống lúa của thành phố. Đáng chú ý, trong năm 2017, Trung tâm đã sản xuất được 14.722kg giống lúa Bắc thơm số 7 cấp siêu nguyên chủng, 10.000 cây bưởi trên giá thể xơ dừa, 118 tấn đậu tương giống vụ hè thu. Dự kiến, Trung tâm sản xuất được 16 tấn lạc giống L14 cấp xác nhận để cung ứng vụ xuân 2018. Đây là nguồn giống cây trồng đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy mở rộng sản xuất cây vụ đông của Hà Nội trong thời gian tới.

Đánh giá về chương trình khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng triển khai ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ Nguyễn Chiến Thắng cho rằng: Nhờ công tác khảo nghiệm, thực nghiệm mà ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ, nông dân xã đã có nguồn giống tốt đưa vào sản xuất, dần thay thế những giống cây thoái hóa, chất lượng kém. Chưa dừng lại ở đó, kết quả thực nghiệm, khảo nghiệm còn mở ra hướng sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao với những giống cây được chọn tạo chất lượng.

Bà Hoàng Thị Hòa cho biết thêm, năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tiếp tục triển khai khảo nghiệm, thực nghiệm, bảo quản giống cây trồng với diện tích 68ha, trong đó tập trung các giống cây như: Lúa, hoa, cây ăn quả… Ngoài ra, Trung tâm tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả các mô hình nông nghiệp của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn giống cây trồng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.