Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân

Kim Nhuệ| 09/02/2018 07:41

(HNM) - Sau hai đợt lấy nước, đến 7h ngày 8-2, Hà Nội mới bơm đủ nước làm đất, gieo cấy cho 63,2% diện tích, thấp hơn kế hoạch đề ra.


Kết thúc hai đợt xả nước hồ thủy điện, 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã lấy đủ nước cho 455.449ha, đạt 74,4% tổng diện tích gieo cấy, trong đó, nhiều tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước như: Phú Thọ đạt 95,2%, Hà Nam 98,1%, Nam Định 96,1%, Ninh Bình 92,6%... Tuy nhiên, đến 7h ngày 8-2, TP Hà Nội mới có 61.871ha đủ nước làm đất, gieo cấy, tương ứng 63,2% tổng diện tích gieo trồng...

Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) sẵn sàng lấy nước đợt 3 phục vụ vụ xuân.


Thông tin từ 5 doanh nghiệp thủy lợi của TP Hà Nội cho thấy, nguyên nhân do nước sông Hồng không đạt mực nước khai thác hiệu quả của các trạm bơm, cống dẫn... Cụ thể, để khai thác tối đa công suất Trạm bơm Phù Sa thì mực nước sông Hồng phải đạt 5,2m, nhưng thực tế chỉ đạt trung bình 4,7m, thấp hơn 0,5m. Tương tự, cống Liên Mạc phải đạt 3m, thực tế chỉ đạt 2,6m, thấp hơn 0,4m; cống Long Tửu phải đạt 2,3m, thực tế đạt 1,99m, thấp hơn 0,31m... Mặt khác, do nhân dân các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ… chưa thu hoạch xong diện tích trồng rau màu, cây vụ đông và có thói quen làm đất, gieo cấy trà xuân muộn (ngoài Tết Nguyên đán) nên các doanh nghiệp thủy lợi không thể bơm nước vào đồng ruộng, chủ yếu bơm tích trữ trong các ao hồ, kênh mương…

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong đợt lấy nước thứ hai, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện trước thời gian lấy nước chính thức 4 ngày, sớm hơn từ 2 đến 2,5 ngày so với các năm trước; tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 2 là 2,56 tỷ mét khối. Tuy nhiên, do nạn khai thác cát và sạt lở nên lòng dẫn bị hạ thấp, mặt sông bị mở rộng khiến mực nước hạ du sông Hồng tại Hà Nội trong những ngày điều tiết chỉ đạt trung bình 2,14m, thấp hơn so với mực nước yêu cầu là 0,06m. Thực tế, trong 7 ngày điều tiết nước đợt 2, có 4 ngày mực nước sông Hồng tại Hà Nội không đạt 2,2m - mực nước công trình thủy lợi khai thác hiệu quả.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước từ hồ thủy điện trong đợt điều tiết cuối cùng, bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân đúng khung thời vụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với 5 doanh nghiệp thủy lợi và 13 quận, huyện, thị xã có diện tích lấy nước đạt thấp. Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị doanh nghiệp thủy lợi huy động mọi phương tiện tập trung lấy nước đợt 3 khi nguồn nước cho phép; kiểm tra, rà soát phương án lấy nước đã xây dựng, đề xuất giải pháp cụ thể để bảo đảm lấy nước, nhất là khu vực gặp khó khăn về nguồn nước như địa bàn huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy lợi có kế hoạch sử dụng nguồn nước tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, cân đối nguồn nước các hồ để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân…

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thủy lợi tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch cây trồng, giải phóng đất; thực hiện phương châm đưa nước đến đâu, làm đất, giữ nước đến đó; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, chống thất thoát cho những diện tích đã được cấp đủ nước, nhất là diện tích được gieo cấy sau Tết Nguyên đán. Cùng với việc trên, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ làm việc với Tổng cục Thủy lợi đề nghị điều chỉnh kế hoạch điều tiết nguồn nước hồ thủy điện, đáp ứng năng lực khai thác của các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.