Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng vào sự tăng trưởng bền vững

Châu Nguyễn| 15/02/2018 19:32

(HNM) - Mùa xuân mới đã về! Nhìn lại chặng đường cả năm qua, mặc dù vẫn còn những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành của một chính phủ kiến tạo, cả nước đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.


Những con số ấn tượng

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, thước đo "sức khỏe" của nền kinh tế được thể hiện ở sự ổn định vĩ mô, chỉ số lạm phát ở mức thấp... Năm qua, cả nước đã đón nhận nhiều thông tin tích cực đến từ số liệu tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất siêu, sự đột phá trong thu hút vốn đầu tư, hay chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm...

Theo Tổng cục Thống kê, GDP của nước ta năm 2017 đã vượt mọi mục tiêu dự báo, tăng 6,81% - vượt 0,11% so với chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội thông qua. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% và khu vực dịch vụ tăng hơn 7,4%. Năm qua là năm đột phá trong thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Nền kinh tế đã đón nhận thêm khoảng 153 nghìn doanh nghiệp, gồm cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động, với tổng vốn khoảng 3 triệu tỷ đồng. Thời gian này cũng chứng kiến sự thành công trong thu hút vốn đầu tư "ngoại", với gần 30 tỷ USD, gồm vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm, vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Việc giải ngân vốn "ngoại" cũng đạt khá cao, với 17,5 tỷ USD, sẽ là sự tiếp sức tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của năm 2017 tăng 3,53%, thấp hơn mức đề ra là 4%. Điểm nhấn đặc biệt của thương mại trong năm 2017 là kỷ lục mới của xuất - nhập khẩu, khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu đạt gần 425 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, trong đó xuất siêu đạt 2,7 tỷ USD. Bình quân năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,41% thấp hơn mức kế hoạch 1,6-1,8% cho thấy chính sách tiền tệ được điều hành ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách về tỷ giá cũng khá thành công. So với thời điểm đầu năm 2017, tỷ giá giảm khoảng -0,2% trên thị trường chính thức và -1,45% trên thị trường tự do. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục: 54,5 tỷ USD. Chỉ số VN-Index tăng trưởng liên tục, đã vượt mốc 950 điểm vào những ngày cuối tháng 12, đà tăng chủ yếu tập trung vào nhóm có vốn hóa lớn...

Những kết quả trên có được nhờ sự nỗ lực chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, là sự thay đổi trong tư duy phát triển cùng quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng từ cấp vĩ mô đã tạo ra “luồng gió mới” cho kinh tế Việt Nam. Về khách quan, là sự thuận lợi về giá hàng hóa toàn cầu và sự thành công của một số nhà đầu tư lớn, trong đó có Vingroup, Samsung... trong phát triển các sản phẩm mới đã tạo "cú hích" cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng

Theo nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua (ngày 10-11-2017), mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tạo sự chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh... Riêng lĩnh vực kinh tế, năm 2018 phấn đấu GDP tăng 6,5-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đã được hoạch định bước đầu. Nhưng, điều quan trọng ở đây là dường như mục tiêu tăng trưởng kinh tế không còn được đặt ra quá nặng như những năm trước, mà thay vào đó là chú trọng chất lượng tăng trưởng. Việc không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng sẽ giúp Chính phủ tập trung hơn vào các giải pháp dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững hơn trong tương lai, thay vì tập trung cho các giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay vẫn cần một mức tăng trưởng hợp lý để bảo đảm việc tạo nguồn lực đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội…, trên cơ sở có lộ trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của các ngành liên quan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018 tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại. Đó là chưa kể, những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm qua cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017-2018, với nhận định kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi trong năm 2018. Đặc biệt, IMF dự báo khá lạc quan về kinh tế Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản - đây là những yếu tố sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.

Còn Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây nhận định, kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định. Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách.

Như vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là rất sáng sủa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào sự tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.