Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ kỷ lục đến mục tiêu mới

Hà Phong| 16/02/2018 06:25

(HNM) - Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều kỷ lục mới. Không quá lạc quan với thành tích này, Chính phủ tiếp tục đề ra những mục tiêu mới.




Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Ảnh: Viết Thành


Tăng trưởng ngoạn mục

Còn nhớ, với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 23/2016/QH14 là GDP tăng 6,7% trong năm 2017, kết quả tăng trưởng hai quý đầu năm đều thấp, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, nợ xấu ngân hàng tăng đã tạo ra một thách thức rất lớn cho Chính phủ. Lúc đó, nhiều ý kiến đặt vấn đề cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra, Chính phủ rất cầu thị khi chỉ ra những hạn chế, nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục. Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia, với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã tuyên chiến mạnh mẽ với “rừng” thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Qua rà soát cho thấy, mỗi năm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tiêu tốn 28,6 triệu ngày công và hơn 14,3 nghìn tỷ đồng; nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định…, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã mời đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp… để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2017, Chính phủ cùng Bộ Tài chính hoàn thiện một số dự án luật mới như, luật về thuế bảo vệ môi trường, luật sửa đổi 5 luật về thuế, Luật Thuế tài sản... Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đây là một trong những giải pháp quan trọng tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đặc biệt trong điều kiện chúng ta hội nhập, cắt giảm thuế quan xuất - nhập khẩu, giá dầu giảm sâu.

Song song với đó, việc ra mắt cộng đồng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ với các hoạt động kết nối với Ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra những đề xuất để thảo luận, nhất là trong các cuộc họp về kinh tế - xã hội của Chính phủ, từ đó đưa vào nghị quyết của phiên họp thường kỳ để Thủ tướng chỉ đạo thực hiện thống nhất từ trung ương xuống địa phương. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng liên tiếp tham dự và có những cuộc gặp gỡ để lắng nghe và trao đổi với những doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử như, cuộc đối thoại chính sách giữa Thủ tướng và 14 tập đoàn kinh tế tư nhân được tổ chức vào cuối tháng 9-2017 với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế” được xem là chưa có tiền lệ.

Với những điều chỉnh tích cực trong chính sách và điều hành, tăng trưởng của quý III, quý IV đã được cải thiện rất nhiều. Có thể coi 2017 là "năm được mùa" khi lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt mức ngoạn mục - 6,81%.

Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại đều tăng cao. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Số vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục, gần 30 tỷ USD, tăng 44,2%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Trở thành “con hổ kinh tế’’ mới

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ đã không quá lạc quan với thành tích này, tiếp tục có những bước đi thận trọng với quan điểm, phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường chứ không phải chạy nước rút. Thành tựu năm 2017 để Việt Nam tự tin trong tái cơ cấu và tạo ra nền móng chặt chẽ hơn cho nền kinh tế phát triển cao hơn trong dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh tại phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 11-1-2018), nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó, một thách thức quan trọng là tìm giải pháp phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cần cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm, phải phấn đấu thành “con hổ kinh tế" mới.

Về quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế phải tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững. Đi liền với đó là giảm chi phí tốt hơn, từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Về những nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã xác định phương châm hành động 10 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 242 nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 đến 10%; thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp.

Đi vào những giải pháp cụ thể, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, các ý kiến chuyên gia đều đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 Chính phủ đã đề ra, đặc biệt là chủ trương hoàn thiện thể chế, coi kinh tế tư nhân là động lực của phát triển. Đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều thách thức. “Thứ nhất là một số nguồn thu có xu hướng giảm. Thứ hai là nền nông nghiệp Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ngược lại, chúng ta cũng có nhiều cơ hội, đặc biệt là có một Chính phủ mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chủ động tái cơ cấu nền kinh tế, nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức của mình, đối diện với những điều đó để tìm cách giải quyết” - TS Trần Hoàng Ngân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ kỷ lục đến mục tiêu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.