Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng thuế môi trường với xăng, dầu lên kịch khung: Cần xem xét hệ lụy

Hương Thủy| 24/02/2018 10:25

(HNMO) - Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tăng lên mức kịch khung sẽ khiến giá mặt hàng này tăng, đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.


Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu. Nếu được thông qua, từ ngày 1-7-2018, thuế BVMT đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít (kg).


Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận, tăng nguồn thu.


Thuế bảo môi trường với xăng, dầu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng (ảnh minh họa: Internet)


Đánh giá tác động dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu). Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì, tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu là: Đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.

Về việc tăng thuế BVMT với xăng dầu tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, cơ quan quản lý này cho rằng, từ việc tăng giá hàng hóa sẽ có tác động đến chỉ số về tiêu dùng thực tế của hộ gia đình, phúc lợi xã hội và lạm phát. Tiêu dùng thực tế của hộ gia đình giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm có thu nhập cao nhất; phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn; mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.

Trước đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người nghiên cứu lâu năm về xăng dầu cho biết, ông hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với Bộ Tài chính. Trong bối cảnh ngân khố bị thâm hụt, nợ công tăng cao, cách dễ nhất để cân đối ngân sách là tăng thu và cách tăng thu đơn giản nhất là tăng thuế. Tuy nhiên, "khi đưa ra đề xuất tăng thuế, cơ quan chức năng cần xem xét đến hệ lụy của nó”, chuyên gia này nói.

Bởi trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của người dân còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế do chi phí đầu vào quá lớn. Xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng của nền kinh tế, thuế BVMT với mặt hàng này tăng sẽ khiến giá tăng, gây hệ lụy đáng ngại là giá nguyên liệu đầu vào cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vài năm trở lại đây việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng dầu giảm. Năm nay mục tiêu là lạm phát dưới 4% trong khi tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,51%. Chuyên gia này cũng dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ nói, cố gắng năm nay không tăng thuế và phí. Vì vậy, ông cho rằng, không nên tăng thuế BVMT với xăng, dầu.

Theo ông, để tăng nguồn thu thì cần tìm giải pháp khác, phải cơ cấu cả thu lẫn chi, cần chú trọng giảm chi một cách hợp lý, chứ không chỉ tái cơ cấu thu. Ngay trong tái cơ cấu thu, phải mở rộng đối tượng thu, chống thất thu, chứ không phải tăng thuế BVMT, bởi mặt hàng này đã phải “cõng” nhiều loại thuế, phí, có lúc chiếm đến khoảng 50% giá cấu thành sản phẩm.

Về lý do tăng thuế BVMT với xăng, dầu do giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước lân cận, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn một số nước, nhưng cũng cao hơn rất nhiều nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, trong đó cao hơn cả Mỹ. Khi nói đến sự cao thấp của giá xăng dầu cũng cần so sánh với thu nhập bình quân đầu người.

Trước đánh giá tác động của Bộ Tài chính về việc tăng thuế BVMT với xăng dầu đối với lạm phát ở mức nói trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, đánh giá trên là chưa thuyết phục vì chưa có gì kiểm chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế môi trường với xăng, dầu lên kịch khung: Cần xem xét hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.