Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về “siêu ủy ban“

Theo VOV| 25/02/2018 14:38

Có 22 doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  

1. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ không còn trực thuộc Bộ Tài chính mà chuyển về Ủy ban và chịu sự quản lý của cơ quan này. Tuy nhiên, SCIC vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh.

2. Tập đoàn Xăng dầu VN có quy mô vốn hóa thị trường ước tính 96.000 tỷ đồng.

3. Tập đoàn Hóa chất VN ước tính vốn điều lệ đến năm 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng. Tập đoàn cũng xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ giai đoạn 2018-2019. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

4. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

5. Tập đoàn Dầu khí VN là tập đoàn dầu khí quốc gia trực thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. Doanh thu năm 2017 đạt 44.556 tỷ đồng.

6. Tập đoàn công nghiệp cao su VN kinh doanh đa ngành, trong đó trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su là ngành kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, khai thác, sản xuất, kinh doanh với khoa học công nghệ, đào tạo; làm nòng cốt thúc đẩy ngành công nghiệp cao su Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng tài sản ước tính trên 66.837 tỷ đồng.

7. Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN ước tính tổng tài sản khoảng 150.000 tỷ đồng.

8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN. Với hơn 50.000 cán bộ công nhân viên, hạ tầng công nghệ viễn thông tiên tiến, mạng lưới dịch vụ phủ sóng toàn bộ 64 tỉnh thành trên cả nước, phục vụ hơn 60 triệu thuê bao di động, gần 10 triệu thuê bao điện thoại cố định và khoảng hàng chục triệu người sử dụng Internet.

9. Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng tính đến cuối năm 2015 tổng nợ của đơn vị này đã chiếm trên 30% tổng tài sản.

10. Tổng công ty lương thực miền Bắc trong suốt hơn 60 năm qua đã có nhiều thay đổi phù hợp với bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn. Tổng tài sản ước tính trên 10.600 tỷ đồng.

11. Tổng công ty Lâm nghiệp VN từng bước khẳng định vị thế là doanh nghiệp đa sở hữu, đa lợi ích, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tổng tài sản ước tính trên 5.700 tỷ đồng.

12. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ được chuyển về ủy ban. Khối doanh nghiệp nhà nước được chuyển giao về siêu ủy ban đều có quy mô vốn và tài sản lớn, ước tính khoảng 5,4 triệu tỉ đồng.

13. Tổng công ty Viễn thông VTC trước trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong quá trình hoạt động và không ngừng phát triển, Tổng công ty VTC đã khẳng định được vị thế của một Tổng công ty nhà nước đi đầu trong việc khai thác, ứng dụng có hiệu quả tiềm năng và sức mạnh hội tụ của các ngành: Phát thanh - Truyền hình, Viễn thông và Công nghệ thông tin.

14. Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Được thành lập vào ngày 16-4-1993, MobiFone đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên khai thác dịch vụ thông tin di động GSM 900/1800, đánh dấu cho sự khởi đầu của ngành thông tin di động Việt Nam.

15. Tổng công ty Thuốc lá VN ước tính tổng tài sản hơn 16.490 tỷ đồng.

16. Tổng công ty Hàng không VN giữ vai trò chủ lực trong giao thông hàng không Việt Nam, trải qua hơn 20 năm không ngừng phát triển, Vietnam Airlines đã khẳng định vị thế là một Hãng hàng không quốc gia có quy mô hoạt động toàn cầu và có tầm cỡ tại khu vực. Doanh thu năm 2017 đạt 87.900 tỷ đồng.

17. Tổng công ty Hàng hải VN ước tính tổng tài sản trên 30.965 tỷ đồng.

18. Với hơn 130 năm khai thác, Tổng công ty Đường sắt VN hiện trở thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, khai thác và duy trì toàn bộ cơ sở hạ tầng của mạng đường sắt quốc gia.

19. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và được coi như đơn vị nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam.

20. Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là một trong những đơn vị chủ lực và uy tín của Bộ GTVT với những dự án trọng điểm mang tầm cỡ Quốc gia như dự án: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường Xuyên Á, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Nam Sông Hậu, Hành lang ven biển phía Nam, dự án kết nối đồng bằng sông Mekong…

21. Tổng công ty Cảng Hàng không VN hiện quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa.

22. Tổng công ty Cà phê VN hiện là nhà cung cấp hàng đầu của Việt Nam về cà phê, là đơn vị chủ lực của ngành cà phê Việt Nam để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, định hướng thị trường cho ngành cà phê Việt Nam. Chủ yếu sản phẩm cà phê được tiêu thụ tại nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về “siêu ủy ban“

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.