Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch thu chi và cần lộ trình

Gia Bảo| 05/03/2018 07:16

(HNM) - Trước việc UBND TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều chuyên gia đã hiến kế nhằm điều chỉnh, hoàn thiện đề án.


Theo ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, không chỉ có nguồn thải công nghiệp, thành phố có nguồn thải từ các ngành chế biến, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ngành dịch vụ, xây dựng, y tế… Đơn cử việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan khiến vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại khu vực ngoại thành ngày càng nhức nhối. Do đó, dự thảo đề án muốn bao quát để công tác bảo vệ môi trường toàn diện hơn thì cần đổi tên từ “công nghiệp” thành “độc hại”, tất nhiên phải bổ sung nội dung liên quan.

Theo báo cáo, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 2.800 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày - đêm). Mỗi năm, thành phố thu khoảng 8 tỷ đồng.

Thế nhưng, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày - đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày - đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp. Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở và dự kiến thành phố sẽ thu được 60 tỷ đồng/năm.

Liên quan vấn đề trên, theo ông Tống Hữu Châu, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các cơ sở y tế và phòng khám tư nhân, nơi phát sinh nguồn thải rất lớn lên thành phố. Vì vậy ngoài thu phí, dự thảo đề án cần đưa ra mức chế tài chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với đối tượng này.

Cũng theo các chuyên gia, con số gần 2.800 doanh nghiệp sản xuất đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo dự thảo đề án là rất nhỏ, trong khi thực tế còn hàng ngàn cơ sở sản xuất có nguồn thải công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa bị thu phí. Điều này tạo ra sự không công bằng cho các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định, đồng thời khiến cho phần lớn cơ sở sản xuất thiếu ý thức nói trên tiếp tục phớt lờ việc bảo vệ môi trường. Vì vậy việc rà soát kỹ, bổ sung các cơ sở sản xuất vào danh mục phải nộp phí môi trường là rất cần thiết.

Vấn đề lớn khác liên quan việc thu phí bảo vệ môi trường, ông Trần Thanh Hồng (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận - Khu chế xuất Tân Thuận) cho rằng, dự thảo đề án đưa ra con số tăng mức phí môi trường lên 5 đến 7 lần là cần tính toán kỹ lưỡng. Điều quan trọng phải quan tâm đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp và đề nghị xem lại cách điều chỉnh căn cứ trên cơ sở khoa học.

Theo nhiều ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học, mục đích của dự thảo đề án khi thực hiện không nhằm tăng thêm nguồn thu mà hướng tới điều chỉnh hành vi, ý thức cho từng đơn vị doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh, thế nên, ngoài việc điều chỉnh những bất cập trên thì rất cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể và minh bạch trong thu chi.

Bên cạnh đó, khắc phục bất cập hiện nay về việc doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại cũng chịu chung mức phí nước thải với những cơ sở, doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Tức là, việc áp dụng mức thu phí là không thể “đánh đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thu chi và cần lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.