Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư nước ngoài: Để có một năm thành công...

Hồng Sơn| 09/03/2018 07:03

(HNM) - Làm thế nào để có thể gặt hái một năm thành công về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh không mấy thuận lợi như năm trước?


Nền kinh tế đang rất cần có thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong ảnh: Sản xuất máy in laser tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long).Ảnh: Bá Hoạt


Diễn biến ổn định

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng qua, cả nước thu hút được 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế cũng cho thấy, vốn cấp phép mới giảm hơn 30% so với cùng kỳ chủ yếu do thiếu vắng những dự án quy mô lớn (khác với diễn biến của cùng kỳ năm 2017, khi xuất hiện một số dự án lớn). Ngược lại, lượng vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước lại tăng gấp hai lần.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một diễn biến đáng mừng là lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 2 tháng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện xu hướng gia tăng giải ngân, đưa vốn vào thực hiện các dự án đã được cấp phép của giới đầu tư quốc tế đã hình thành rõ, diễn ra liên tục từ năm ngoái đến nay. Có thể thấy, Việt Nam vẫn được đánh giá là địa chỉ thu hút vốn tin cậy, nhờ một số ưu thế lớn, không thể phủ nhận như: Vị trí địa lý thuận tiện cho vận tải - giao thương, gần các trung tâm kinh tế thế giới và nằm trong khu vực năng động nhất thế giới, chi phí nhân công khá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn, đặc biệt là môi trường chính trị ổn định trong khi cơ cấu, chất lượng và mức độ hấp dẫn của nền kinh tế đang được cải thiện một cách căn bản, với tốc độ nhanh chóng.

Trong một diễn biến mới nhất, cánh cửa Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn đang để ngỏ khả năng Mỹ trở lại đàm phán để tham gia. Tiềm năng thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ sẽ lớn hơn nếu Mỹ tham gia CPTPP, vì cơ cấu hàng hóa cũng như thế mạnh của Việt Nam và Mỹ luôn ở thế bù đắp, chia sẻ với nhau chứ không có sự đối đầu trực tiếp. Trường hợp Mỹ không tham gia thì các nước cũng đã sẵn sàng, và Việt Nam hoàn toàn có thể trông đợi dòng vốn đầu tư từ các thành viên nội khối CPTPP, nhất là những đối tác giàu tiềm năng như Nhật Bản, Canada hoặc Singapore...

Chủ động "gọi" đầu tư nước ngoài


Sản xuất bo vi mạch tại Công ty TNHH Điện tử MeiKo (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: Mạnh Hà


Trước thực tế trên, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ cải cách thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, tập trung cải thiện những chỉ số liên quan trực tiếp đến hoạt động của nhà đầu tư như thuế, hải quan, cấp phép xây dựng... theo hướng thông thoáng, thuận lợi nhất. Năm nay, Chính phủ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, theo hướng toàn diện, thiết thực hơn nữa. Một số tiêu chí đã được xác định để quyết tâm đạt được gồm cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tăng thêm 40 bậc, tiến tới bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian doanh nghiệp thực hiện mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống dưới 4 ngày, hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh cũng như thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cũng đang theo đuổi mục tiêu giảm ít nhất 50% mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc mở rộng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu luôn gắn liền với hoạt động xúc tiến thương mại nhưng sẽ được kết hợp với mục tiêu giới thiệu tiềm năng và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần xác định là các biện pháp hỗ trợ cũng như việc ưu đãi nhà đầu tư về kinh tế thuần túy không quan trọng bằng tạo dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh tiên tiến, đầy đủ, theo chuẩn mực quốc tế. Yêu cầu này cũng lý giải vì sao Chính phủ, các bộ đang tiếp tục dồn sức hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế, khung khổ pháp lý.

Nền kinh tế còn khoảng 10 tháng để nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động quảng bá, mời gọi nhà đầu tư nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương tăng cường giới thiệu danh mục dự án gọi vốn, chủ yếu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, vật liệu mới và công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án quy mô vừa và nhỏ thì Việt Nam nên chủ động thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đầu tư vào những dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ nguồn, có sức lan tỏa rộng và từ đó lôi kéo những dự án khác, tạo động lực hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hạ tầng, cả “cứng’ và “mềm” của Khu công nghệ cao Hòa Lạc để tăng sức hấp dẫn nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ cao kết hợp với nhà đầu tư trong nước - khẳng định vai trò là địa chỉ xứng đáng để giới doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng qua: Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram, do Singapore đầu tư với tổng số vốn 150 triệu USD, tại Ninh Thuận, mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Dự án Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore triển khai tại Nam Định. Dự án Nhà máy Ykk Hà Nam do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn 80 triệu USD, sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, sản xuất nguyên phụ liệu ngành may.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư nước ngoài: Để có một năm thành công...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.