Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Góc khuất” của hoạt động xuất khẩu lao động

Hà Hiền| 18/03/2018 07:26

(HNM) - Những năm gần đây, xuất khẩu lao động trở thành xu hướng được không ít người lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động xuất khẩu lao động còn nhiều “góc khuất”...

Người lao động cần tìm những đơn vị có uy tín để đăng ký xuất khẩu lao động. Ảnh: Sơn Hà


Những khoản chi ngoài quy định

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Hànộimới nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về tình trạng một số đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã “bắt tay” với cán bộ, nhân viên y tế để “móc túi” người lao động thông qua dịch vụ khám sức khỏe. Nhiều lao động cho biết, họ đã phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền chênh lệch cho dịch vụ khám sức khỏe để đổi lấy sự thuận tiện.

Ngoài dịch vụ khám bệnh, lợi dụng lòng tin của khách hàng, một số doanh nghiệp đưa “cò” đi hoạt động ở nhiều nơi, thu phí môi giới xuất khẩu lao động trái quy định. Vậy nhưng, sau khi nhận được tiền “đặt cọc” từ khách cũng là lúc “cò” biến mất cùng số tiền thu được... “Phát hiện “cò lao động" không dễ, bởi họ thường lợi dụng các mối quan hệ quen biết, núp dưới vỏ bọc là cán bộ, nhân viên của những doanh nghiệp uy tín. Khi sự việc vỡ lở thì đã muộn, nhiều người lâm vào cảnh tiền mất, tật mang”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạch Thất cho biết.

Trên thực tế, cơ quan công an đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động. Điển hình là trường hợp Nguyễn Huy Vững (quê quán Phú Thọ), người mở văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động trên đường Phú Diễn đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố vào tháng 8-2017 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển dụng người đi lao động xuất khẩu. Để tạo dựng lòng tin của khách hàng, Vững mở văn phòng tư vấn, dạy tiếng nước ngoài, phát tài liệu, đồng phục… cho những người đăng ký. Sau khi nhận được tiền “đặt cọc” lên đến hàng nghìn USD từ nhiều người, Vững tắt điện thoại và bỏ trốn.

Trường hợp khác là Lương Thị Lan Phương, quê quán phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), bị điều tra về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động vào cuối năm ngoái. Là giám đốc một công ty tư nhân không hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đồng thời là cán bộ quản lý của một trung tâm đào tạo và tư vấn du học có chi nhánh tại Hà Nội, Phương đã lợi dụng danh nghĩa các công ty để lừa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều người lao động phải chi những khoản ngoài quy định hoặc bị lừa là bất cập nổi cộm trong hoạt động xuất khẩu lao động. Thực trạng này đã được ngành LĐ-TB&XH thừa nhận và cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn khó xử lý, khắc phục.

Cẩn thận để tránh "bẫy" lừa đảo

Tình trạng vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động còn xảy ra tại nhiều nơi. Ảnh: Sơn Hà


Để hoạt động xuất khẩu lao động phát huy hiệu quả tích cực, ngành LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với các ngành, địa phương có các biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh lĩnh vực này. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đăng ký địa chỉ giao dịch tại Hà Nội, vi phạm các quy định về xuất khẩu lao động và đã bị Bộ LĐ-TB&XH thu hồi giấy phép hoạt động. Trong năm 2017, qua kiểm tra 30 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã lập biên bản và xử phạt 6 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 157,5 triệu đồng.

Song song với công tác kiểm tra, xử phạt, các cơ quan chức năng đã thông báo thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng rất nhiều hình thức, giúp người lao động chủ động nắm bắt thông tin và lựa chọn cơ hội việc làm tốt nhất. Người lao động có nhu cầu cũng được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục miễn phí.

Từng đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị H., trú tại xã Phú Cường (Ba Vì) nhắn nhủ: “Ai có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin và đăng ký nguyện vọng với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong nhóm lao động cùng đi với tôi ở Đài Loan, người nào đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký trực tiếp thì chỉ phải trả các khoản chi phí theo hợp đồng; người qua các khâu trung gian thì phải trả phí gấp đôi, gấp ba lần so với quy định”.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 190 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế có đến hàng nghìn doanh nghiệp công khai đăng thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua mạng internet. Điều đó cho thấy có rất nhiều công ty trung gian hoặc công ty “ma”.

Ông Nguyễn Đức Vỹ, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng: “Cần phải thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc lựa chọn doanh nghiệp để kiểm tra sao cho không chồng chéo là điều không dễ. Theo quy định hiện hành, các cơ quan chức năng chỉ được tiến hành thanh tra, kiểm tra tại mỗi doanh nghiệp không quá một lần/năm...”.

Theo ông Nguyễn Đức Vỹ, tình trạng trục lợi trong hoạt động xuất khẩu lao động sẽ từng bước được khắc phục nếu các địa phương công bố rộng rãi thông tin về các đơn vị có chức năng hoạt động xuất khẩu lao động; kiên quyết xử lý và xử lý triệt để những hành vi vi phạm. Về phía người lao động, mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tìm hiểu tư cách pháp nhân của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như thông tin về thị trường lao động.

Lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, người có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức có phần hạn chế. Do vậy, rất cần các cơ quan chức năng sớm tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm có thêm cơ hội việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Góc khuất” của hoạt động xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.