Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết tiêu thụ nông sản: Vẫn còn lỏng lẻo

Ngọc Quỳnh| 21/03/2018 06:49

(HNM) - Để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, trên thực tế, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo...


Khoảng 90% là tự sản, tự tiêu

Việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sẽ gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với người sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, còn doanh nghiệp thì chủ động được vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt nông sản bị ứ đọng, khó tiêu thụ, một phần do sản xuất cung vượt cầu, không theo định hướng thị trường. Theo tính toán, có từ 90 đến 95% sản phẩm nông nghiệp của người dân bán cho thương lái, số hàng hóa ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp rất ít, dẫn tới bị thương lái ép giá.

Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân vẫn lỏng lẻo, việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cũng chưa chặt chẽ, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân là người dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài. Mặt khác, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để mở rộng các loại hình dịch vụ hoặc ứng vốn cho người dân vào vụ sản xuất mới nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định. Khi ký hợp đồng cả doanh nghiệp và người dân mới chỉ tập trung vào số lượng, thanh toán, giao hàng mà chưa chú trọng tới việc giải quyết tranh chấp, phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Thực tế ở huyện Mê Linh (Hà Nội) và tỉnh Hải Dương có tình trạng nông dân chặt bỏ củ cải, su hào là do nhiều hộ gia đình chưa ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, dẫn tới khi rau vào chính vụ, sản lượng tăng mạnh, vượt cầu.

Nói về những khó khăn trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với người dân, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Doanh nghiệp đang ký kết với nông dân, hợp tác xã ở các tỉnh, thành phố thu mua nông sản. Tuy nhiên, có những thời điểm khi vào vụ thu hoạch, nông dân vẫn còn tâm lý “găm hàng” chờ giá hoặc thấy giá bán ở ngoài thị trường cao hơn, hấp dẫn so với giá cố định mà doanh nghiệp ký từ đầu vụ, thì ngay lập tức bán hàng cho thương lái để thu lợi nhuận.

Ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết: Việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp tham gia tiêu thụ rau an toàn cho người dân trên địa bàn còn ít. Sản lượng rau của toàn xã Duyên Hà khoảng vài chục tấn/ngày, nhưng sản lượng bán cho doanh nghiệp qua hợp đồng chỉ chiếm từ 5 đến 10%.

Hỗ trợ các bên cùng tham gia

Hiện nay, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết để hạn chế tình trạng nông sản mất giá, đầu ra không ổn định. Để bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, có từ 80 đến 95% sản phẩm mía đường, tôm, cá ba sa và từ 15 đến 30% sản lượng chè, lúa hàng hóa, cà phê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn tiêu thụ thông qua hợp đồng, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Nhà nước cần có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nông sản bảo đảm có lợi cho người dân.

Hiện Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật rà soát tổng diện tích gieo trồng rau trên cả nước để tính toán diện tích, sản lượng, cân đối cung - cầu nhằm đưa những khuyến cáo cho nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp mới bảo đảm đầu ra ổn định, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định để các bên cùng có lợi.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Tâm Thành: Các ngành, các cấp cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm khâu trung gian kết nối hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp, trong đó hợp đồng ghi rõ quyền, trách nhiệm của hai bên một cách hài hòa và các quy định xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết tiêu thụ nông sản: Vẫn còn lỏng lẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.