Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền ảo - vì đâu nên nỗi?

Thùy Ngân - Linh Nhi| 14/04/2018 08:14

(HNM) - Thông tin hơn 32.000 nạn nhân bị Công ty cổ phần Modern Tech (quận 1 - TP Hồ Chí Minh) lừa đảo, chiếm đoạt trên 15.000 tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn đầu tư vào đồng tiền ảo ifan gây chấn động dư luận những ngày qua. Nhiều câu hỏi được đặt ra:


Anh Nguyễn Đăng Công, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng: Đừng vì hám lợi mà tự biến mình thành nạn nhân

Nhìn vào những diễn biến từ vụ tiền ảo ifan, tôi cho rằng sở dĩ hàng vạn nhà đầu tư “sập bẫy” đa cấp xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Mức lợi nhuận mà Công ty cổ phần Modern Tech “vẽ” ra quá hấp dẫn khiến nhiều người mờ mắt; hầu hết nhà đầu tư tham gia đều do hiệu ứng tâm lý đám đông.

Các nạn nhân tố cáo Công ty Modern Tech - “hạt nhân” trong đường dây tiền ảo lừa 15.000 tỷ đồng.


Nếu tỉnh táo, có thể nhận thấy không ít dấu hiệu lừa đảo từ cách thức triển khai dự án của Modern Tech. Ví dụ: Ai là đơn vị phát hành đồng tiền ảo ifan? Tiền đầu tư thực chất được rót vào Modern Tech hay tổ chức, cá nhân nào núp bóng phía sau? Tại sao khi đầu tư vào dự án thông qua phát hành đồng tiền số, công ty không ký kết bất cứ hợp đồng mua bán nào với nhà đầu tư?... Chưa kể, xét về mặt logic, không thể có bất cứ loại hàng hóa nào có mức lợi nhuận lên đến 40-50%. Càng không có kênh đầu tư hay dự án nào lạ đời đến mức nhà đầu tư chỉ có quyền duy nhất là bỏ tiền vào dự án mà không ai có thể rút vốn ra. Khi càng đông người tham gia thì càng có nhiều nhà đầu tư tin tưởng, vội vã góp vốn do tâm lý đám đông, làm giàu kiểu “ăn theo”.

Bà Nguyễn Thị Thêu, chung cư Happy House, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên: Cơ quan quản lý ở đâu?

Chính thức hoạt động từ 30-10-2017 và tạm ngưng mã số thuế vào đầu tháng 4-2018, tức chỉ sau 5 tháng hoạt động, Công ty cổ phần Modern Tech đã kịp thực hiện phi vụ lừa đảo siêu khủng với khoảng 32.000 nạn nhân và số tiền lên tới khoảng 15.000 tỷ đồng - như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Câu hỏi đặt ra là: Các nhà quản lý và chính quyền địa phương đã ở đâu khi công ty này hoạt động công khai, rầm rộ ngay giữa trung tâm thành phố với hàng vạn nạn nhân mà không bị phát hiện? Cần nói rõ, để có thể quảng bá dự án và chiêu mộ hàng vạn nhà đầu tư, công ty này đã lập hẳn nhiều fanpage, website, đồng thời rầm rộ tổ chức không ít hội thảo, sự kiện gặp gỡ khách hàng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với hàng nghìn người tham dự. Hầu hết các khoản tiền đầu tư của 32.000 khách hàng đều được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian. Chưa kể, doanh nghiệp này có đầy đủ giấy phép kinh doanh, mã số thuế... nhưng địa chỉ hoạt động lại là địa chỉ “ảo”, không có bất cứ nhân viên nào đến làm việc, cũng không có khách hàng đến liên hệ, giao dịch hay thư từ… nhưng cơ quan quản lý không hề phát hiện. Phải chăng, sự buông lỏng của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chính là điều kiện thuận lợi để những công ty đa cấp như Modern Tech thực hiện những vụ việc kiểu này?

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico: Lỗ hổng pháp lý do không có quy định quản lý kinh doanh liên quan đến tiền ảo

Về sự việc tiền ảo ifan vừa qua, tôi cho rằng có một số vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, về mặt thị trường, tiền ảo thực sự vẫn được nhiều cá nhân, tổ chức mua bán, trao đổi và chúng ta thiếu hành lang pháp lý về hoạt động này. Về mặt pháp lý, đến nay cơ chế quản lý tiền ảo bằng quy định pháp luật tại Việt Nam không rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước đã từng ra một thông báo vào tháng 10-2017 về tiền ảo, nhưng thực tế chỉ nhằm giới hạn trách nhiệm của cơ quan này trong lĩnh vực quản lý của họ. Không có khái niệm pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam về tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm về quản lý tiền ảo như dạng tiền tệ. Như vậy, gần như hành lang pháp lý chuẩn tắc cho tiền ảo là không có. Thứ hai, chúng ta không có sự quản lý nhà nước chặt chẽ về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp liên quan đến tiền ảo. Hiện nay, việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh có 3 cấp độ gồm: Cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và tự do đăng ký kinh doanh. Ngoài những lĩnh vực cấm, các cơ quan nhà nước xác định các lĩnh vực cần có sự can thiệp hạn chế như đặt ra điều kiện về vốn pháp định, giấy phép, chứng chỉ… Do không có quy định quản lý chi tiết về điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến tiền ảo nên thực tế mảng hoạt động này có lỗ hổng. Đó chính là môi trường thuận lợi cho những vụ việc như vụ của Công ty Modern Tech vừa qua khi mà những nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi những dụ dỗ về lãi suất, lợi nhuận cao ngất ngưởng, phi thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền ảo - vì đâu nên nỗi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.