Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhiều giải pháp bình ổn thị trường

Theo TTXVN| 29/04/2018 22:01

Năm nay do kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 kéo dài nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng và sẽ kéo giá các nhóm hàng này có thể tăng.

Nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống có thể tăng trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: TTXVN


Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm nay do kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 kéo dài nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng và sẽ kéo giá các nhóm hàng này có thể tăng.

Ngoài ra, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng là thịt lợn đang có mặt bằng giá cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, tác động của giá hàng hóa nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng.

Ông Trần Duy Đông cũng cho biết, tháng 4 do thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên nhu cầu các mặt hàng tiêu dùng đều có xu hướng tăng. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất thuận lợi và nguồn cung tăng nhưng giá lại giảm.

Riêng mặt hàng thịt lợn do bài học từ đợt khủng hoảng thừa năm trước nên quy mô chăn nuôi giảm mạnh, giá tăng. Nhóm mặt hàng năng lượng chịu ảnh hưởng của biến động giá thế giới nên có xu hướng tăng.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4 đạt 350.542 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,54% so với cùng kỳ năm 2017.

Mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, du lịch, ăn uống, lưu trú (mức tăng trên 12%).

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến nay đã đạt con số gần 1.400.000 tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý, nhóm du lịch có mức tăng mạnh (26,1%) do kinh tế phục hồi, nhu cầu cho các dịch vụ này tăng, cùng với sự gia tăng của các tour du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Các nhóm còn lại tăng từ 8 - 12,7%. Riêng nhóm dịch vụ khác tăng 3,19%.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, các chuyên gia thương mại đã đề xuất giải pháp đối với từng mặt hàng cụ thể.

Chẳng hạn, để đảm bảo tiêu thụ ổn định mặt hàng đường sản xuất trong nước, giảm sự chênh lệch giá giữa khâu bán buôn tại nhà máy, giá bán lẻ ngoài thị trường thì Hiệp hội Mía đường cần chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tăng cường mối liên kết thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước với giá ổn định, hợp lý. 

Hay với giá lợn hơi tại nhiều địa phương đang ở mức khá tốt (trên 40.000 đồng/kg) do quy mô chăn nuôi giảm, tiêu thụ tăng nhờ một phần xuất khẩu qua biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, hiện quy mô chăn nuôi của Trung Quốc (thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam) năm nay tăng, giá tương đối thấp nên nhu cầu nhập khẩu tương đối ít. Vì vậy các địa phương cần theo dõi sát hoạt động chăn nuôi và giám sát việc tăng quy mô đàn, tránh tình trạng dư cung mà giá giảm mạnh.

Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý với mặt hàng xăng dầu bởi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng.

Do đó, dù liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định trích thêm quỹ bình ổn để tránh tăng giá xăng nhưng vẫn khuyến cáo các địa phương và ngành quản lý trực tiếp phải có sự liên kết chặt chẽ để điều tiết thị trường và ổn định giá cả.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ trong thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận với điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp bình ổn thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.