Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cho năng lượng tái tạo phát triển

Phương Nhi| 12/05/2018 07:41

(HNM) - Tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với nước ta trong sử dụng năng lượng. Hiện các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước.

Việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã, đang được đẩy mạnh tại Việt Nam. Ảnh: Hà Sơn


Ngành công nghiệp điện trên thế giới hiện chủ yếu dựa trên công nghệ nhiệt điện và thủy điện. Song, việc đốt cháy nhiên liệu gốc hóa thạch là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất gây biến đổi khí hậu toàn cầu; còn điện hạt nhân lại không an toàn và để lại tác hại lâu dài cho môi trường. Với chiến lược phát triển bền vững trên toàn cầu, đặc biệt là thời kỳ phát triển “kinh tế xanh”, “năng lượng xanh”, thế kỷ 21 đã chứng kiến những công nghệ mới sản xuất điện, nhiên liệu "sạch" từ nguồn năng lượng tái tạo có sẵn trong tự nhiên như mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều...

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai các dự án phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam rất thuận lợi. Trong báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn nhiều lần các nước trong khu vực như Thái Lan (khoảng 0,2% diện tích), Lào (khoảng 2,9% diện tích)... WB cho rằng, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng 713.000MW, tương đương 250 lần công suất của thủy điện Sơn La.

Trong khi đó, với cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 2.000-2.500 giờ, tổng năng lượng bức xạ mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 150kCal/cm2, nên dự án phát triển năng lượng mặt trời hoàn toàn có thể triển khai.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu, phấn đấu bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây, khoảng 10% trong các năm tiếp theo...

Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo. Tại tọa đàm về "Một số giải pháp cho tương lai năng lượng Việt Nam", do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tháng 4-2018 tại Hà Nội, vấn đề này được bàn thảo khá kỹ.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đánh giá, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang gặp phải một số khó khăn về nguồn vốn và việc giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, việc quy hoạch năng lượng tái tạo mới chỉ đề cập đến quy mô công suất theo vùng, theo khu vực, chưa xác định được địa điểm cụ thể, gây khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện...

Để giải quyết điều này, Nhà nước cần xây dựng chính sách ổn định, lâu dài cho phát triển năng lượng tái tạo, tăng độ tin cậy cho các nhà đầu tư, đồng thời xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

Đề cập đến vấn đề này, tại cuộc tọa đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời là hướng đi tất yếu trong thời gian tới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Cao Đức Phát yêu cầu nhóm nghiên cứu sớm tiếp thu, chắt lọc các ý kiến trao đổi, góp ý để hoàn thiện bản Bản báo cáo cuối cùng. Đây là cơ sở và luận cứ quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương trong việc thực hiện đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 18-NQ/TƯ về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và thẩm định Tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược quy hoạch ngành Điện lực Việt Nam, góp phần làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về phát triển năng lượng, nhất là phát triển điện gió và điện mặt trời; bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho năng lượng tái tạo phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.