Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia nền kinh tế số: Thiếu khuôn khổ pháp lý

Thanh Hương| 17/05/2018 13:13

(HNMO) - Khi tham gia nền kinh tế số, vấn đề lớn nhất là doanh nghiệp chưa có khung pháp lý phù hợp...


Thiếu khuôn khổ pháp lý

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số nhưng mức độ phát triển hiện nay còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp gặp phải thách thức không nhỏ như: vấn đề an ninh bảo mật; khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp còn hạn chế; thiếu nhân sự công nghệ thông tin... Nhưng, vấn đề lớn nhất chính là chưa có môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số.

“Nếu có một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế, và nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam”, ông Lộc nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, điều kiện cần để các doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số là hạ tầng, nền tảng cho kinh tế số.

Tuy nhiên, hai điều kiện quan trọng nữa là vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng bệ đỡ, thể chế chắc chắn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển; nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

“Ngay bản thân trong khối các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nhiều doanh nghiệp vẫn còn những tư duy thụ động trong việc chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ quan điểm, trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng cần ồ ạt chuyển sang công nghiệp 4.0 mà mỗi doanh nghiệp nên có hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp.

Đa số nhà băng sẵn sàng chuyển đổi sang ngân hàng số

Tham gia diễn đàn, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hệ thống ngân hàng đang bước vào quá trình chuyển đổi từ hoạt động ngân hàng truyền thống sang hoạt động ngân hàng số (digital banking).

Tốc độ tăng trưởng các giao dịch qua kênh Internet, điện thoại di động khá cao. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước được ông Thắng đưa ra tại diễn đàn cho thấy, năm 2017, giao dịch qua kênh Internet đạt 191 triệu giao dịch, tăng 52% so với năm 2016, với giá trị giao dịch 13 triệu tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước đó; qua kênh điện thoại di động đạt 131 triệu giao dịch, tăng 34% so với năm 2016, với giá trị giao dịch đạt 690.000 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2016.

Một số ngân hàng đã thực hiện giao dịch tự động, cho phép khách hàng tự phục vụ 24/7, thực hiện mở tài khoản, gửi rút tiền, chuyển tiền, làm thẻ và giao thẻ trực tuyến; thanh toán với công nghệ phi tiếp xúc NFC...

Khuôn khổ pháp lý một lần nữa được nhấn mạnh trong diễn đàn. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số. “Công nghệ và hạ tầng của một số sản phẩm, dịch vụ đã sẵn sàng nhưng pháp luật chưa cho phép, khiến ngân hàng không dám triển khai và cung cấp ra thị trường”, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng bày tỏ.

Giao dịch qua Internet Banking tăng mạnh (ảnh minh họa: Internet)


Ông Thắng dẫn chứng, việc xác thực danh tính khách hàng thông qua kênh điện tử (eKYC) vẫn chưa được thực hiện, điều kiện để áp dụng công nghệ đám mây (cloud technology) còn vướng... Vì vậy, điều này đang cản trở các ngân hàng Việt Nam bắt kịp với ngân hàng các nước.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết cho công nghệ số phát triển, đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng dụng của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Mặt khác, Chính phủ đưa ra quy định cho phép thử nghiệm, thí điểm những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới trong khi khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa có để tạo điều kiện cho sáng tạo khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, cần tạo dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ chung và xây dựng, hình thành hệ sinh thái cần thiết cho công nghệ số phát triển, tạo sự kết nối, liên thông thuận lợi giữa các hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, đi cùng những phương thức quản lý phù hợp”...

Liên quan đến việc xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, chính sách, khuôn khổ pháp lý phải được xây dựng trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp chứ không phải làm mất đi sự sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt là trong nền kinh tế số như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia nền kinh tế số: Thiếu khuôn khổ pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.